Phát triển thị trường chứng khoán đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính

PV. (T/h)

Tại buổi tọa đàm "Thị trường chứng khoán (TTCK): Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản" do Báo Đầu tư phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức sáng 18/11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định sẽ phát triển TTCK đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế… Việt Nam cũng sẽ chủ động hội nhập với TTCK thế giới với mục tiêu trở thành một trong 4 thị trường lớn trong khu vực ASEAN.

Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Số liệu của UBCKNN cho thấy, tính đến ngày 30/9/2021, tổng quy mô TTCK đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP với 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch. Kết quả này rất ấn tượng so với con số vỏn vẹn 2 mã chứng khoán đăng ký giao dịch những ngày đầu TTCK ra đời. Số tài khoản nhà đầu tư đăng ký đã lên tới gần 4 triệu tài khoản, trong đó, số tài khoản nhà đầu tư mở mới trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng 70% so với cả năm 2020.

Bên cạnh đó, thanh khoản TTCK luôn đạt ở mức cao trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đến nay, TTCK đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội với tổng lượng vốn huy động qua TTCK năm 2020 đã đạt trên 30 điểm phần trăm GDP.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại buổi Tọa đàm. 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại buổi Tọa đàm. 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính hiện đang cùng với các bộ ngành báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những cơ sở và căn cứ xây dựng Chiến lược là căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất Nước, theo định hướng, nghị quyết của Đảng, các chủ trương chính sách của Đảng.

Theo Thứ trưởng, quan điểm phát triển TTCK cần nói đến phát triển thị trường đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế… đảm bảo liên kết thị trường tài chính với thị trường tiền tệ, mở rộng và nâng cao chất lượng thị trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ và yêu cầu về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý giám sát thị trường trên cơ sở rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, đảm bảo minh bạch, an toàn và bền vững...

Về mục tiêu tổng quát, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin, sẽ xây dựng và phát triển TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế. “Trước đây, chưa có TTCK, thì kênh dẫn vốn, ngắn, trung và dài hạn đặt lên vai ngân hàng. Khi có TTCK, thị trường này đang ngày càng san sẻ, chiếm tỷ trọng lớn dần trong kênh dẫn vốn với hệ thống ngân hàng...” Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ. Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, phát triển TTCK Việt Nam cần gắn với TTCK khu vực, hội nhập với TTCK quốc tế, theo các thông lệ, chuẩn mực tốt trên quốc tế nhằm hướng đến mục tiêu trở thành một trong 4 thị trường lớn trong khu vực ASEAN.

Về mục tiêu cụ thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sẽ phát triển TTCK theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và thanh khoản thị trường, trong đó thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP (điều chỉnh) năm 2025, và 110% GDP năm 2030… Đối với trái phiếu, hướng tới mục tiêu 47% GDP năm 2025, và 58% GDP năm 2030. Với cơ cấu cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ hợp lý. Về TTCK phái sinh, đặt mục tiêu tốc độ tăng 20 - 30%/năm, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025, đạt 8% năm 2030 với cơ cấu tổ chức, cá nhân, trong nước, ngoài nước hợp lý...

Toàn cảnh tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản".
Toàn cảnh tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản".

Về mục tiêu nâng cao sức mạnh của các định chế trung gian trên thị trường, sẽ tiếp tục củng cố và tăng cường năng lực của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư (ETF, hưu trí tự nguyện…), đưa vào thành lập và các tổ chức cung cấp dịch vụ như xếp hạng tín nhiệm, tổ chức và nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán… Bên cạnh đó, đảm bảo thực thi các chính sách pháp luật, đảm bảo thị trường vận hành công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông minh trong giám sát thị trường, xây dựng cơ chế phối hợp giữa bộ ngành trong kiểm tra, giám sát, quản lí thị trường để nhanh chóng phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư tham gia...

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, cơ quan này đã xây dựng, soạn thảo trình Bộ Tài chính hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng cho thị trường. Về hoàn thiện cơ sở pháp lý, hiện UBCKNN đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn luật, xem xét hoàn thiện thêm những khuôn khổ pháp lý phù hợp hơn với hoạt động giao dịch mới của thị trường, số hoá. Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao năng lực quản lý giám sát để phát triển thị trường công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, tiếp tục đa dạng hoá các sản phẩm mới, cơ cấu phù hợp trong sự phát triển chung của thị trường, nghiên cứu xem xét các doanh nghiệp tiềm năng, sáng tạo tham gia vào thị trường...

Chia sẻ thêm về sự phát triển của TTCK sau 25 năm thành lập và phát triển, ông Vũ Đức Tiến - Tổng giám đốc SHS nhận định, thị trường đang phát triển sang một giai đoạn mới, thời kỳ mới, bền vững và phù hợp với sự phát triển của kinh tế. Đặc biệt, trong 2 năm qua,  dù đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế, song các chỉ số về thị trường đều lạc quan. Đến nay, quy mô TTCK đã đạt 133% GDP, quy mô giao dịch thị trường từ mười mấy ngàn tỷ/phiên năm 2020, nay 20.000 - 30.000 tỷ đồng/phiên. Tổng giám đốc SHS cho rằng, TTCK Việt Nam phát triển nhờ hội tụ nhiều yếu tố, trước tiên là sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBCKNN trong việc kiên định phát triển thị trường thông qua việc tăng cường quản lý, giám sát thị trường, tạo ra TTCK minh bạch, hàng hoá chất lượng...

Chia sẻ quan điểm này, ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng giám đốc CTCK VNDirect cho rằng, sự phát triển của TTCK đã giúp cho tái cấu trúc thị trường tài chính rất thành công. Từ đó, tạo ra nền tảng nâng chất lượng hàng hoá, trong đó việc các ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán đã tạo nguồn cung chất lượng cao. Về cầu, nếu như trước đây phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài, thì nay vai trò, vị thế của nhà đầu tư nội đã thay đổi.

Tổng giám đốc CTCK VNDirect cũng nhận định, nhu cầu và tiềm năng phát triển của TTCK Việt Nam rất lớn với 100 triệu dân nhưng mới chỉ có 1% dân tham gia thị trường. Đáng nói là với tỷ lệ nhỏ tham gia thị trường nhưng đã tạo ra quy mô thị trường 2 tỷ USD/ngày (giao dịch 80% là nhà đầu tư cá nhân) thì chứng tỏ tiềm năng thị rất lớn. Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cũng mong muốn Bộ Tài chính, UBCKNN tiếp tục nâng cao chất lượng của các tổ chức tham gia thị trường; Cần áp dụng chuẩn mực cao hơn nữa, sàng lọc những công ty chứng khoán không đạt điều kiện và mở nới room cho các công ty chứng khoán hoạt động hiệu quả, có những room rộng hơn với công ty hoạt động tốt hơn để nâng cao năng lực...