Cần cẩn trọng khi nói “hỗ trợ doanh nghiệp”
Một chuyên gia lĩnh vực thương mại cho rằng: “Có lẽ ngay từ bây giờ, Việt Nam nên bỏ thói quen dùng từ “hỗ trợ” doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp xuất khẩu.
Bởi đây là một trong những kẽ hở để các nước nhập khẩu lấy cớ kiện doanh nghiệp (DN) xuất khẩu về thuế hoặc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Minh chứng rõ ràng và gần nhất là việc các DN xuất khẩu tôm Việt Nam đang bị kiện chống trợ cấp tại Mỹ. Phía Việt Nam đã lên tiếng phản đối, chính nhà nhập khẩu tôm Mỹ cũng phản bác lại vụ kiện này. Tuy nhiên, cho đến lúc này, Bộ Thương mại Mỹ và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ vẫn cho rằng DN Việt Nam có nhận hỗ trợ từ Chính phủ nên tiếp tục điều tra, đồng thời bổ sung bốn nội dung mới để điều tra gồm việc hỗ trợ miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, có chính sách hỗ trợ tài chính, cho vay ưu đãi trong phát triển và sản xuất tôm giống và chính sách hỗ trợ ưu đãi đất đai.
Không chỉ mặt hàng tôm, DN xuất khẩu còn phải chịu nhiều vụ kiện về các mặt hàng khác như cá tra, mắc áo thép, thép cuộn, dây cô roa, dầu thực vật, giấy… cũng vì cái cớ “hỗ trợ”. Kết quả chưa biết thế nào nhưng hệ quả trước mắt là các DN xuất khẩu thêm khó khăn, tốn chi phí kiện tụng, thuê luật sư… ảnh hưởng lớn đến cả ngành hàng xuất khẩu.
Vị chuyên gia trên cho rằng Chính phủ đang điều hành nền kinh tế thị trường, kích thích DN phát triển sản xuất chứ không hề ưu ái riêng cho DN xuất khẩu, nhưng nước nhập khẩu lại cho rằng có từ “hỗ trợ” tức DN là có trợ cấp, có ưu đãi nên giá xuất khẩu mới thấp, gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất mặt hàng đó tại nước họ. Vì thế, cần có giải pháp hợp lý để họ khỏi bị vin vào cái cớ “hỗ trợ” nữa. Cụ thể, nếu thấy lãi suất cho vay còn cao, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm xuống chứ không nên nói giảm lãi suất để hỗ trợ DN xuất khẩu. Đối với chính sách miễn thuế giá trị gia tăng, Chính phủ lấy lý do có quá nhiều loại thuế trong khi kinh tế khó khăn nên không thu thuế giá trị gia tăng chứ không nên nói miễn thuế hỗ trợ DN…
“Hỗ trợ” vốn là một từ rất bình thường nhưng nếu lỡ “bỏ” vào một chính sách thì có thể khiến nước nhập khẩu hiểu sai, từ đó gây ra hậu quả nghiêm trọng khó lường.