Cần “cắt dòng sữa mẹ” hoàn toàn với doanh nghiệp nhà nước


Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, cần “cắt dòng sữa mẹ” hoàn toàn để khối doanh nghiệp chưa cổ phần hóa phải vươn lên, hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp tư nhân.

Tiến độ triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch. Nguồn: internet
Tiến độ triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch. Nguồn: internet

Mới hoàn thành cổ phần hóa 35/127 doanh nghiệp

Thời gian qua, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được hoàn thiện nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước, tạo thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng. 

Tuy nhiên, tiến độ triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch. Đến nay, mới hoàn thành cổ phần hóa 35/127 doanh nghiệp, đạt 27,5% danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thành bán vốn nhà nước tại 88/403 doanh nghiệp, đạt 21,8% danh mục doanh nghiệp hoàn thành thoái vốn giai đoạn 2017-2020.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, tại Diễn đàn “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” do Cục Tài chính doanh nghiệp tổ chức ngày 8/8, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng, hiện nay, một số bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo và chưa chấp hành chế độ báo cáo.

Bên cạnh đó, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này...

“Cắt dòng sữa mẹ” hoàn toàn

Trao đổi với báo chí về tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, doanh nghiệp nhà nước đang trong diện cổ phần hóa, IPO, thoái vốn hiện rất thờ ơ với việc tiếp cận nhà đầu tư.

Theo đó, cần “cắt dòng sữa mẹ” hoàn toàn để khối doanh nghiệp chưa cổ phần hóa hay còn vốn nhà nước phải vươn lên, hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp tư nhân.

Ông Tiến dẫn chứng, nếu các doanh nghiệp có quyền tiếp cận các dự án đầu tư công như nhau, thì doanh nghiệp có vốn nhà nước buộc phải tìm cách để mạnh hơn, bằng quản trị theo chuẩn mực, kêu gọi các nhà đầu tư để tăng quy mô doanh nghiệp…

Đồng thời, cần bàn giao các doanh nghiệp trong danh mục cổ phần hóa, thoái vốn về cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và các sở giao dịch chứng khoán, thay vì để các bộ, ngành, địa phương thực hiện, tránh kéo dài và tâm lý chờ đợi, thậm chí là đẩy trách nhiệm lên các bộ, ngành của doanh nghiệp…

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, mục tiêu quan trọng của cổ phần hóa là giúp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh chính để từ đó tạo điều kiện cho phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn.

Theo đó, trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư nội hay ngoại sẽ không thực sự quan trọng bằng việc đánh giá, lựa chọn được nhà đầu tư với công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm với thị trường Việt Nam, có cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn, có chiến lược phát triển dựa trên những sản phẩm thuần Việt...

Cơ chế, chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.