Cần có biện pháp hạn chế các rủi ro trong luồng gỗ nhập khẩu
Trung Quốc hiện đang mua dăm gỗ, ván bóc của Việt Nam với lượng lớn. Để duy trì và phát triển ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, các doanh nghiệp cần giảm rủi ro về gian lận thương mại trong các mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chiều ngày 3/12, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến: "Thương mại gỗ Việt Nam - Trung Quốc: Cơ hội, thách thức và phát triển ngành gỗ Việt bền vững trong tương lai".
Xuất khẩu mặt hàng ván bóc sang Trung Quốc tăng rất mạnh
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) và Tổ chức Forest Trends dựa trên số liệu của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc là một trong ba thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng nhất của Việt Nam (sau Mỹ và Nhật Bản). Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh từ khoảng 1 tỷ USD năm 2018 lên trên 1,2 tỷ USD năm 2019, sau đó giảm nhẹ vào năm 2020.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, dăm gỗ quan trọng nhất. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chiếm 70-80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Tiếp đến là ván bóc và các mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm gỗ.
Trong 9 tháng 2021 tỷ trọng xuất khẩu dăm giảm so với mức của năm 2020, tuy nhiên lượng giảm không đáng kể. Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng ván bóc, nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại ván, sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng ván bóc rất mạnh, từ 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 lên 7% năm 2020 và đạt 12% trong 9 tháng đầu 2021.
Tuy nhiên, hiện đang có sự cạnh tranh trực tiếp giữa các doanh nhân Trung Quốc và các đơn vị thu mua ván bóc của Việt Nam tại chính thị trường Việt Nam. Mạng lưới thương nhân Trung Quốc hiện đã phủ tới các xưởng ván bóc ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ để thu mua nguyên liệu. Điều này gây ra một số khó khăn về nguyên liệu cho các đơn vị thu mua của Việt Nam.
Kim ngạch thương mại 2 chiều về các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn, với thặng dư hiện tại đang nghiêng về phía Việt Nam. Tuy nhiên, quy mô của thặng dư đang dần bị thu hẹp.
“Điều đáng nói là, ở chiều xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhóm gỗ nguyên liệu. Doanh nghiệp Việt Nam đang bị cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc tại ngay sân nhà. Cần có các cơ chế, chính sách mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam” – TS.Tô Xuân Phúc chuyên gia Tổ chức Forest Trends khuyến cáo.
Giảm rủi ro về gian lận thương mại các mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest thông tin, bình quân mỗi năm kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam và Trung Quốc về các mặt hàng gỗ đạt khoảng 2 tỷ USD, với cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam.
"Năm 2018 kim ngạch các mặt hàng gỗ của Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam tương đương dưới 50% kim ngạch các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Hai năm sau đó, năm 2020, con số này là 70%. Nếu động lực tăng trưởng và cơ cấu mặt hàng xuất - nhập khẩu giữa 2 quốc gia được duy trì như hiện nay, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ đạt cân bằng trong 2-3 năm tới" - ông Lập nói.
Ở chiều Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, các mặt hàng chủ lực bao gồm ván bóc/ván lạng, sản phẩm gỗ và gỗ dán là nhóm mặt hàng tiềm ẩn rủi ro về tính pháp lý và nguồn gốc xuất xứ.
Các loại ván bóc/ván lạng nhập khẩu này chủ yếu được làm từ các loài gỗ như bạch dương có nguồn gốc từ Nga, 1 số nước Châu Âu, Mỹ; gỗ okoume có nguồn gốc từ Châu Phi và gỗ bintangor hoặc trám hồng… Các mặt hàng này nhập khẩu vào Việt Nam được sử dụng làm lớp mặt cho các loại ván, sau đó được đưa vào sản xuất gỗ dán để xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Ấn Độ, hoặc chế biến tạo sản phẩm như tủ, bàn ghế xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU và để sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường trong nước.
Tuy nhiên, các mặt hàng này ẩn chứa các rủi ro pháp lý về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào mà Tổ chức Forest Trends và Viforest đã nhiều lần khuyến nghị các doanh nghiệp nhập khẩu.
Khẳng định nhập khẩu nguyên liệu gỗ là nhu cầu thực sự và chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ông Đỗ Xuân Lập cũng cho rằng, giảm rủi ro về gian lận thương mại trong các mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc có vai trò quan trọng nhằm duy trì và phát triển ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực phối hợp với các hiệp hội gỗ và các bên liên quan trong việc xác định rủi ro và đưa ra các chế tài xử phạt đối với các công ty vi phạm. Các biện pháp và chế tài này cần được ưu tiên và tăng cường nhằm hạn chế các rủi ro trong luồng gỗ nhập khẩu. Điều này đòi hỏi sự quan tâm sát sao từ các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật, đặc biệt là các cơ quan kiểm soát cửa khẩu.
Liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan này với các hiệp hội gỗ và các bên liên quan khác cho phép định vị được các rủi ro trong các mặt hàng nhập khẩu một cách kịp thời, từ đó đưa các các biện pháp chế tài xử lý phù hợp.
Trong 9 tháng 2021 tỷ trọng xuất khẩu dăm giảm so với mức của năm 2020, tuy nhiên lượng giảm không đáng kể. Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng ván bóc, nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại ván, sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng ván bóc rất mạnh, từ 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 lên 7% năm 2020 và đạt 12% trong 9 tháng đầu 2021.