Cần cơ chế thu hút vốn phát triển hạ tầng giao thông
(Tài chính) Đầu tư hạ tầng giao thông được coi là nền tảng góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước có hạn, việc thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân đang được khuyến khích. Muốn vậy, cần xây dựng cơ chế phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, trên cơ sở tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với lĩnh vực hạ tầng hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh phân tích, trong điều kiện ngân sách Nhà nước bị thâm hụt nhiều năm, cần có cơ chế tạo sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào các dự án phát triển, hoàn thiện hệ thống đường giao thông. Theo ông Lại Xuân Thanh, các cơ chức năng cần nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn cho các hình thức đầu tư kết hợp công - tư, nhất là đối với việc quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay.
NhưngĐề án tái cơ cấu ngành giao thông - vận tải đã xác định để thu hút đầu tư hạ tầng thì cần thực hiện một số giải pháp và cơ chế chính sách chủ yếu như: đổi mới thể chế chính sách và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chiến lược, quy hoạch bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao tính khả thi của quy hoạch. Trên cơ sở đó, việc thu hút nguồn vốn trên cơ sở đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp giao thông, hiện thực hóa các mục tiêu đầu tư các dự án trọng điểm.
Việc thu hút các nhà đầu tư trên cơ sở đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp giao thông - vận tải đang diễn ra mạnh mẽ. Bộ Giao thông – Vận tải được đánh giá là một trong những cơ quan có chuyển biến rõ rệt khi thực hiện các yêu cầu của Chính phủ trong việc đổi mới hoạt động và thu hút đầu tư hạ tầng bằng các hình thức BOT, PPP. Đại diện Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, trong thời gian qua, ngoài nguồn vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ngành đã huy động được một lượng vốn lớn từ ngoài ngân sách (BOT, BT, PPP). Cụ thể, tổng số vốn huy động ngoài ngân sách đến năm 2013 khoảng gần 120 nghìn tỷ đồng, với 47 dự án, triển khai đầu tư 1.387km đường. Đây là con số rất có ý nghĩa, chưa có tiền lệ.