Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phát triển
Tại Việt Nam, ngoại trừ những doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn còn đến hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 triệu lao động. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp (DN) này là việc tiếp cận vốn, các chính sách hỗ trợ.
Theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng Thế giới, DN siêu nhỏ là DN có số lượng lao động dưới 10 người. DN nhỏ có số lượng lao động từ 10-200 người và nguồn vốn 20 tỷ đồng trở xuống. DN vừa có từ 200-300 lao động với nguồn vốn từ 20-100 tỷ đồng.
Bất cập trong chiến lược phát triển của DN siêu nhỏ
Ở Việt Nam, DN siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng, hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. Còn DN siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng, hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chúng ta không mấy quan tâm việc một hộ kinh doanh cá thể mà quan tâm DN hàng tiêu dùng lớn. Các cơ quan chức năng cũng ít quan tâm đến ý kiến về thủ tục thuế của một DN siêu nhỏ, nhưng lại để ý đến ý kiến của một tập đoàn lớn về chuyện thuế của họ.
Thời gian đầu mới thành lập, nhiều DN siêu nhỏ hoạt động khá tốt và cũng có tầm nhìn chiến lược. Nhưng sau đó, các DN này thường không mạnh dạn đột phá và thiếu vốn, khó tiếp cận với các nguồn vốn vay. Hơn nữa, các DN cá thể và siêu nhỏ thường thiếu kinh nghiệm về quản lý, điều hành tài chính nên không ít hộ sử dụng không hiệu quả các nguồn vốn huy động được. Các hộ kinh doanh thường bỏ qua các quy luật của thị trường, chưa có chiến lược kinh doanh tốt.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khối DN siêu nhỏ, chưa quyết đoán trong việc ra các quyết định đầu tư nên không ít hộ kinh doanh cá thể đã không sử dụng hiệu quả các nguồn vốn huy động được. Đặc biệt, tình trạng phá sản, không thu hồi được vốn diễn ra khá phổ biến. Các hộ kinh doanh thường chưa có chiến lược kinh doanh rõ ràng, chưa có kinh nghiệm trong phân bổ các nguồn lực tài chính nên gây ra tình trạng lúc thiếu lúc thừa, không nhịp nhàng với quy trình sản xuất kinh doanh.
Cần có chính sách hỗ trợ phù hợp
Có một thực tế là khối này cũng chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô mà thường tập trung vào các vấn đề như: lựa chọn mục tiêu kinh doanh phù hợp với khả năng, ổn định, củng cố thị phần đã có, hoặc phát triển thị trường từng bước và có chọn lọc khâu, điểm đột phá thuận lợi nhất. Các DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn phải tự vận động và liên kết để hợp tác kinh doanh mà thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Ông Hoàng Trần Hậu, Giám đốc trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng khác đang nghiên cứu, soạn thảo và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và DN siêu nhỏ”, nhưng có một số bất cập đã bộc lộ trong quá trình triển khai.
Theo đó, quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc, chính sách bảo hộ của các quốc gia, sự phức tạp trong chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế, sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật đã và đang làm khó cho DN Việt Nam nói chung, DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể nói riêng. Trong đó, chính sách hỗ trợ về thuế và tiếp cận nguồn vốn là một trong những vướng mắc mà DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể đang gặp phải.
Để góp phần làm rõ những vướng mắc, khó khăn mà DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể đang phải đối mặt và tìm kiếm các giải pháp phù hợp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Giảng viên Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cho hay, cần có các ưu đãi thuế cụ thể hơn cho DN vừa và nhỏ ở Việt Nam.
Cụ thể là áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa. Đồng thời, đưa ra mức thuế suất phổ thông của DN vừa và nhỏ thấp hơn mức thuế suất phổ thông của các DN khác. Để tránh trường hợp DN vừa và nhỏ có thể lợi dụng ưu đãi này để không mở rộng quy mô thì ưu đãi này chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, áp dụng ưu đãi miễn, giảm thuế có thời hạn cho DN khởi nghiệp quy mô nhỏ.