Cần có khuôn khổ pháp lý cũng như thống nhất tên gọi cho tiền ảo
Hiện nay, đầu tư tiền kỹ thuật số (KTS) thường gọi là tiền ảo đang là một xu hướng phổ biến tại nhiều nước. Tuy nhiên, do tiền KTS luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng và thị trường tài chính nên mỗi quốc gia đều có quy định về quản lý theo hướng khá thận trọng đối với việc phát hành và giao dịch tiền KTS, tiền ảo. Theo pháp luật Việt Nam, tiền KTS hay tiền ảo được xác định không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp1. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo là hành vi bị cấm và có thể chịu mức xử phạt hành chính lên đến 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc quản lý tiền KTS, tiền ảo ở nước ta còn gặp nhiều vướng mắc do vẫn chưa có các quy định cụ thể đối với lĩnh vực này. Với góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu về tài chính ngân hàng, TS. Đặng Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân đã trao đổi với phóng viên Tạp chí Chứng khoán về những tác động của tiền ảo đối với chính sách tiền tệ (CSTT) cũng như có một số khuyến nghị trong vấn đề quản lý những đồng tiền này trên thị trường tài chính, tiền tệ ở Việt Nam.
Phóng viên: Thưa ông, xin ông đánh giá về thực trạng phát hành và giao dịch tiền KTS, tiền ảo tại Việt Nam trong thời gian gần đây?
TS. Đặng Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân |
Theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về hành vi cung cấp, phát hành và sử dụng tiền ảo là phương tiện thanh toán sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù đã có hiệu lực từ ngày 01/1/2018. Tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo nêu rõ:
Thứ nhất, yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế;
Thứ hai, các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo, các tổ chức có hoạt động xử lý giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo và có biện pháp xử lý đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và quản lý ngoại hối.
Với những quy định này, việc trao đổi và mua bán tiền ảo có thể sẽ không bị phạt nhưng việc phát hành, cung cấp tiền ảo nằm trong diện hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có các thống kê chính thức về việc phát hành và giao dịch tiền ảo tại Việt Nam.
Theo tôi được biết thì việc phát hành và giao dịch tiền ảo bắt đầu từ các tổ chức và sàn giao dịch bên ngoài lãnh thổ của Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng của việc phát hành và giao dịch tiền KTS, tiền ảo đến CSTT của Việt Nam?
Trung tâm của CSTT là ở các công cụ của CSTT và điều hành lãi suất thị trường cũng như lượng tiền cung ứng. Các giao dịch đối với tiền KTS không được coi là giao dịch chính thức và với qui mô dừng lại ở các cá nhân nhà đầu tư mang tính nhỏ lẻ, do vậy, theo tôi các giao dịch này thực sự chưa có ảnh hưởng gì tới lượng tiền cung ứng, cũng như lãi suất, nên chưa thể có tác động gì tới CSTT ở Việt Nam.
Hiện nay, một số quốc gia cấm các tổ chức/cá nhân giao dịch tiền KTS, tiền ảo. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Liên quan tới việc cấm hay không cấm tiền ảo, có nhiều cách thức nhìn nhận vấn đề này ở các quốc gia khác nhau.
Một số nước như các nước Bắc Âu (Thụy Điển), Mỹ, Nhật Bản đã cho phép các tổ chức, cá nhân giao dịch tiền KTS. Trong khi đó, một số nước khác không công nhận tiền mã hóa là phương tiện thanh toán, hoặc không cho phép hệ thống ngân hàng thực hiện giao dịch đối với đồng tiền KTS.
Theo tôi, xu thế ở nhiều nước là gia tăng các qui định điều chỉnh giao dịch và phát hành tiền KTS để ngăn chặn các bong bóng tài sản KTS, hoạt động rửa tiền hoặc tài trợ các hoạt động tội phạm.
Tuy vậy, công nghệ nền tảng đằng sau tiền KTS - công nghệ chuỗi khối đang được quan tâm chú ý với nhiều ứng dụng được kỳ vọng cung cấp những tiện ích mang tính đột phá trong nhiều lĩnh vực, đặc biêt là lĩnh vực tài chính.
Ví dụ, Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) thông báo đã thực hiện thành công giao dịch tài trợ thương mại đầu tiên sử dụng công nghệ chuỗi khối, IBM4 hé lộ mạng ứng dụng công nghệ chuỗi khối cho phép thanh toán quốc tế trên một mạng lưới theo thời gian thực.
Tôi cho rằng, các ứng dụng của công nghệ chuỗi khối cần thêm thời gian để khẳng định tính hiệu quả cũng như ưu việt so với các hệ thống hiện tại mà chúng ta đang có. Tuy nhiên, chúng ta cần có sự hiểu biết và chuẩn bị để đón đầu những cơ hội và lợi ích mà công nghệ chuỗi khối có thể mang lại trong tương lai.
Với tư cách là chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, từ những nghiên cứu thực tiễn trong việc quản lý giao dịch tiền KTS, tiền ảo của một số nước trên thế giới, ông có khuyến nghị gì cho cơ quan quản lý trong việc quản lý giao dịch những đồng tiền này?
Tôi cho rằng, tiền KTS mới chỉ đóng một vai trò rất hạn chế xét trên phương diện là phương tiện thanh toán.
Tại một số nước, đồng tiền Bitcoin có thể được sử dụng để trao đổi, mua bán trong một số lĩnh vực hoặc hàng hóa hạn chế (cộng đồng game thủ, các sản phẩm điện tử có giá trị thấp…) nhưng Bitcoin có một số hạn chế đáng kể để được sử dụng như một loại tiền tệ thông thường như cần phải có thiết bị để thực hiện giao dịch, vấn đề bảo mật, lưu giữ tài sản KTS chống hacker, giá cả biến động lớn làm việc xác định giá khó khăn… Đồng Bitcoin và các đồng tiền KTS khác đóng vai trò là các tài sản nhiều hơn là đóng vai trò của một đồng tiền tệ.
Hệ thống tài chính và thanh toán thế giới vẫn sẽ phải dựa vào các đồng tiền pháp định để vận hành trong tương lai. Tôi không cho rằng tiền KTS, tiền ảo và tài sản KTS là mối đe dọa đối với hệ thống tài chính và hoạt động của ngân hàng trung ương (NHTW). Với sự phát triển và hoàn thiện của công nghệ chuỗi khối, thậm chí một số NHTW đã và đang nghiên cứu phát hành đồng tiền KTS, tiền ảo của riêng NHTW.
Liên quan đến quản lý tiền điện tử, tiền KTS, tài sản KTS, bước đầu để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho vấn đề này, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm quản lý tiền KTS, tiền ảo sẽ góp phần quản lý chặt chẽ giao dịch Bitcoin và các đồng tiền ảo khác, qua đó kiểm soát và giảm những tác động tiêu cực từ giao dịch tiền ảo.
Hiện, Bộ Tư pháp đang hoàn thiện đề xuất xây dựng chính sách điều chỉnh về tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử nhằm đảm bảo pháp luật phù hợp với bối cảnh hội nhập và thông lệ quốc tế, hạn chế các rủi ro phát sinh.
Về vấn đề này, tôi có 2 kiến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất là nên thống nhất tên gọi của loại tiền tệ này là tiền KTS (hoặc tiền mã hóa), tài sản KTS chứ không nên gọi là tiền ảo, tài sản ảo cho đúng bản chất của loại tiền này; đồng thời cần có sự phân biệt rõ giữa tiền KTS với tiền điện tử, vì bản chất của tiền điện tử vẫn là thanh toán sử dụng tiền pháp định thông thường.
Thứ hai là cần tăng cường phổ biến kiến thức, dân trí tài chính về tiền KTS, tài sản KTS để người dân hiểu được những lợi ích, rủi ro liên quan để có những biện pháp ứng xử phù hợp với loại tiền KTS, tài sản KTS này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!