Cần có quy định về tiếp nhận và xử lý vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI
Góp ý về chương trình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chủ tịch KorCham cho rằng, cần có quy định về cách thức tiếp nhận và xử lý vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI…
Theo đó, bên cạnh những góp ý của một số Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như: AmCham, EuroCham,… xoay quanh Hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội” về một hệ thống đầu tư mang tính dự báo; minh bạch hệ thống thuế,… nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Mới đây, để giúp mối hợp tác giữa cơ quan Nhà nước và Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hiệu quả hơn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Ông Shon Young-IL - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) cho rằng, Việt Nam cần có quy định về cách thức tiếp nhận và xử lý vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, theo Chủ tịch của KorCham, hiện nay, Việt Nam có nhiều kênh để các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp FDI có thể trao đổi những khó khăn và kiến nghị. Tuy nhiên, thực tiễn việc trả lời thường bị chậm và có nhiều trả lời không rõ ràng, việc quản lý theo dõi không được thực hiện. Bên cạnh đó, không có quy định về cách thức tiếp nhận và xử lý các vướng mắc, làm gia tăng sự nhầm lẫn của doanh nghiệp.
Trong khi, để đà tăng trưởng ngày càng phát triển hơn nữa, cách thức tiếp nhận và xử lý vướng mắc sẽ trở thành chìa khóa then chốt để thu hút thêm các doanh nghiệp FDI.
Từ đó, vị này đề xuất, nên áp dụng hệ thống “Thanh tra đầu tư nước ngoài” như ở Hàn Quốc để xử lý các khó khăn mà các doanh nghiệp FDI gặp phải.
Chủ tịch của KorCham cho biết, hệ thống “Thanh tra đầu tư nước ngoài” của Hàn Quốc được thành lập năm 1999 nhằm phát hiện, giải quyết hiệu quả những khó khăn mà các doanh nghiệp FDI đối mặt, cải thiện môi trường đầu tư, góp phần mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài.
“Thanh tra đầu tư nước ngoài” do Tổng thống bổ nhiệm, cùng với các chuyên gia trong từng lĩnh vực như tài chính, thuế, pháp luật và lao động, thông qua hợp tác với chính quyền trung ương và địa phương của Hàn Quốc.
“Quá trình hoạt động, những vướng mắc của các doanh nghiệp FDI sẽ được “Thanh tra đầu tư nước ngoài” tiếp nhận thông qua chuyên gia đến thăm thực địa, trực tuyến, e-mail… Sau khi nhận được vướng mắc sẽ xem xét nội dung và chuyển đến cơ quan liên quan để giải quyết. Các vướng mắc này, sẽ được nhập và quản lý trong hệ thống quản lý khách hàng của cơ quan liên quan, kết quả giải quyết cuối cùng sẽ được thông báo cho doanh nghiệp”, ông Shon Young-IL chia sẻ.
Theo ông Shon Young-IL, việc giải quyết vướng mắc của “Thanh tra đầu tư nước ngoài” được vận hành tích cực và hiệu quả bằng cách đến trực tiếp doanh nghiệp khi cần thiết để tìm hiểu sâu vấn đề, thay vì chỉ nhận phản hồi từ bộ phận và thay mặt doanh nghiệp thảo luận ý kiến với cơ quan liên quan.
Ngoài ra, văn phòng “Thanh tra đầu tư nước ngoài” luôn thông báo cho doanh nghiệp qua từng bước của quy trình giải quyết và nhận các câu hỏi khác bất cứ lúc nào, từ đó tạo ra sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Hàn Quốc.
Vì vậy, Chủ tịch KorCham cho rằng, việc đưa hệ thống đã nêu vào áp dụng tại việt Nam là cần thiết, khi không chỉ kịp thời thu thập các vướng mắc, đề xuất phương án cải thiện chính sách và hỗ trợ thực hiện giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp, mà còn tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp trong quản lý theo dõi tiến trình giải quyết.
“Tôi chắc chắn rằng, điều này sẽ không chỉ làm tăng độ tín nhiệm đối với Chính phủ Việt Nam, mà còn góp phần mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài”, Chủ tịch Kocham nêu quan điểm.
Thực tế, theo ghi nhận, mô hình “Thanh tra đầu tư nước ngoài” đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế như APEC và đã trở thành mô hình chuẩn ở nhiều quốc gia như Nga và Brazil.
Bên cạnh đề xuất đã nêu, đại diện KorCham và một số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam còn cho rằng, để công tác cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh phát huy tối đa hiệu quả, cần thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại quy mô nhỏ giữa các cơ quan của Chính phủ với các doanh nghiệp FDI và Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài để thuận tiện cho việc lắng nghe và giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp FDI đã và đang gặp phải.