Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam


Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Khái quát về các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bài viết phân tích những tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đưa ra giải pháp để loại hình doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

FDI là từ viết tắt của từ tiếng Anh “Foreign Direct Invesment” nghĩa là “Đầu tư trực tiếp nước ngoài” là hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước ngoài bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cá nhân hay công ty nước ngoài đó nắm quyền quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), loại hình đầu tư trực tiếp nước ngoài xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở nước khác (nước thu hút đầu tư) cùng với quyền quản lý số tài sản đó. Phương diện quản lý là để phân biệt FDI với các công cụ tài chính khác. Trong phần lớn trường hợp, cả nhà đầu tư lẫn tài sản mà người đó quản lý ở nước ngoài là các cơ sở kinh doanh; trong trường hợp này nhà đầu tư thường hay được gọi là “công ty mẹ” và các tài sản được gọi là “công ty con”, “chi nhánh công ty”.

Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do. Là một nước đang phát triển, việc khai thác các nguồn lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khoa học công nghệ. Vì vậy, việc thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế.

Theo Luật Đầu tư năm 2020, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Qua khảo sát tình hình thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, hiện tại, ở Việt Nam có 5 hình thức đầu tư phổ biến sau:

(i) Tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài: Với hình thức này, các nhà đầu tư thường chú trọng khai thác những lợi thế của các địa điểm đầu tư mới, đã nỗ lực tìm cách áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý trong hoạt động kinh doanh để đạt hiệu quả cao.

(ii) Doanh nghiệp liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước hoặc chính phủ trong nước và nhà đầu tư nước ngoài là hình thức được sử dụng phổ biến rộng rãi trên thế giới. Hình thức đầu tư này khá phát triển ở Việt Nam, nhất là giai đoạn đầu thu hút FDI. Doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp được thành lập tại nước sở tại trên cơ sở hợp đồng liên doanh ký kết giữa hai bên, hoặc giữa bên nước chủ nhà với bên nước ngoài để đầu tư kinh doanh tại nước sở tại.

(iii) Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) là hình thức đầu tư được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân mới.

Hình thức đầu tư này giúp các nhà đầu tư thực hiện các hoạt động đầu tư được nhanh chóng mà không không mất nhiều thời gian, chi phí để thành lập và quản lý một pháp nhân mới. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài, hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

(iv) Hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), hợp đồng đầu tư xây dựng- chuyển giao-vận hành (BTO), hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT) là các hình thức đầu tư được thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư nước ngoài, để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời gian nhất định.

Khi hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước. Đầu tư BOT, BTO, BT là hình thức một bên ký kết phải là Nhà nước, lĩnh vực đầu tư là các công trình kết cấu hạ tầng như đường sá, cầu, cảng, sân bay, bệnh viện, nhà máy sản xuất, điện, nước... Bắt buộc hết thời hạn thì phải chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước.

(v) Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp là khi thị trường chứng khoán phát triển, các kênh đầu tư gián tiếp được khai thông, nhà đầu tư nước ngoài được phép mua cổ phần, mua lại các doanh nghiệp ở nước sở tại, nhiều nhà đầu tư rất ưa thích hình thức đầu tư này.

Tồn tại, hạn chế của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Thời gian qua, bên cạnh những lợi ích mà các doanh nghiệp FDI mang lại cho kinh tế Việt Nam như: Cải thiện cơ sở hạ tầng; tạo việc làm cho người dân, ổn định an sinh xã hội, tình trạng doanh nghiệp FDI lợi dụng các kẽ hở chính sách ưu đãi của Việt Nam để đạt mục tiêu lợi nhuận tối đa. Những hạn chế này được nhận diện ở các nội dung sau:

Thứ nhất, sai phạm trong hoạt động đầu tư nước ngoài.

- Lợi dụng danh nghĩa các tổ chức, công ty nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm đối tác, cơ hội đầu tư, hứa hẹn cho các doanh nghiệp Việt Nam vay vốn với lãi suất thấp. Điều này làm cho doanh nghiệp Việt Nam lầm tưởng họ là những người có vốn lớn, nhưng thực chất họ chỉ là những người môi giới hoặc ký kết các dự án đầu tư thì họ được phép bán giấy phép để hưởng hoa hồng.

- Hỗ trợ cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển bằng cách đầu tư vốn cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoặc tư nhân để thành lập doanh nghiệp, đứng phía sau để chỉ đạo toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước hình thành lực lượng tư bản tư nhân mạnh để tạo đối trọng với kinh tế nhà nước.

- Lợi dụng ưu thế tỷ lệ góp vốn cao, gây khó khăn cho đối tác Việt Nam bằng cách liên tục làm ăn thua lỗ (thực chất vẫn có lãi) để phía Việt Nam bán lại cổ phần, nhằm chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài, nhất là khi doanh nghiệp đã ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Khai báo tăng vốn đầu tư, thuê đất với số lượng lớn để xây dựng mặt bằng của công ty liên doanh ở những khu vực có nhiều thuận lợi như gần trục lộ giao thông chính, khu vực có điện, nước đầy đủ nhưng họ không sử dụng hết đất thuê mà nhượng lại cho các liên doanh đến sau để hưởng chênh lệch giá (như: Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An).

- Kéo dài thời gian xây dựng cơ bản, cũng như cố tình mở rộng công trình xây dựng so với dự án ban đầu, xin nhập các thiết bị, máy móc, vật liệu văn phòng (được miễn thuế) để bán ra thị trường trong nước; đây là tình trạng “buôn lậu” được nhiều chủ đầu tư thực hiện (Nguyễn Xuân Yêm và Nguyễn Hòa Bình, 2003)

Thứ hai, gian lận thuế.

Để thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI hoạt động, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tài chính… Với chính sách này, nhiều doanh nghiệp FDI đã được tạo điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh đóng góp vào GDP với tỷ trọng không nhỏ, thậm chí ngày càng cao. Bên cạnh những kết quả tích cực mang lại, cũng có tình trạng một số doanh nghiệp FDI kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế chưa tương xứng với kỳ vọng. Bởi khi tham gia vào thị trường, các nhà đầu tư luôn cố gắng tận dụng nhiều cách thức để thu được lợi ích tối đa.

- Gian lận thông qua chuyển giá: Gian lận thuế thông qua chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu.

Cụ thể, các hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Xác định giá hàng hóa nhập khẩu, lãi tiền cho vay, giá bán công nghệ… thấp hơn mức giá thị trường chung khiến doanh thu của doanh nghiệp giảm đi; Công ty mẹ ở nước ngoài thường phân bổ một phần chi phí cho các công ty con phải chịu khiến các công ty con luôn rơi vào tình trạng thua lỗ dẫn đến không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; Các công ty mẹ thực hiện bao tiêu sản phẩm nhưng lại định giá bán thấp khiến cho doanh thu giảm, chi phí kê khai luôn tăng khiến tình trạng lỗ ở các công ty con diễn ra thường xuyên.

- Gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dù đã hoạt động nhiều năm và có thị phần lớn, song số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước lại rất thấp; tình trạng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng.

Các công ty đa quốc gia với nhiều chi nhánh mở ở nhiều quốc gia khác nhau rất thuận lợi để thực hiện hành vi gian lận thuế bằng cách chuyển lợi nhuận ra nước ngoài dựa trên sự chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, các quy định về miễn, giảm thuế giữa Việt Nam và các quốc gia khác.

Thứ ba, sai phạm liên quan đến chế độ đối với người lao động trong doanh nghiệp FDI.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động khi người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn. Cùng với đó, từ ngày 01/01/2009, các doanh nghiệp còn có nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong Quỹ Tiền lương của doanh nghiệp.

Trường hợp không đóng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật (xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội…; khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động hoặc xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Thứ tư, các sai phạm liên quan đến môi trường.

Mặc dù thu hút vốn FDI mang lại những lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế, nhưng nó cũng tác động lớn đến môi trường. Trên thực tế, trong những năm qua, số doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường có xu hướng tăng lên theo từng năm. Theo kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại 28 tỉnh phía Bắc trong các năm 2017, 2018 và 2019, tỷ lệ doanh nghiệp FDI vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tăng lên trong các năm. Cụ thể, năm 2017 có 12/27 doanh nghiệp vi phạm, chiếm tỷ lệ 44,5%; năm 2018 có 14/25 doanh nghiệp vi phạm, chiếm tỷ lệ 56% và năm 2019 là 13/19 doanh nghiệp vi phạm, chiếm tỷ lệ 68%.

Những tồn tại, hạn chế trên là do hệ thống pháp luật vẫn còn sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất còn nhiều kẽ hở để các doanh nghiệp FDI lợi dụng. Cùng với đó, cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài của các địa phương, các ngành thiếu thống nhất, đồng bộ. Công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội của các cơ quan nhà nước mặc dù có nhiều đổi mới, tiến bộ song vẫn bộc lộ những sơ hở, không đồng bộ, thiếu kinh nghiệm, chưa kết hợp hài hòa giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống pháp luật và hệ thống quản lý hành chính trong điều kiện mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài.

Giải pháp, kiến nghị

Thực tế cho thấy, khối doanh nghiệp FDI không chỉ góp phần đáng kể trong việc tạo ra công ăn việc làm trong tổng lực lao động của cả nước thời gian qua, mà còn nâng cao trình độ lao động trong nước thông qua việc chuyển giao trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, thu hút lực lượng chuyên gia nước ngoài có trình độ cao, có kinh nghiệm quản lý.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đầu tư, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, các cơ quan chức năng cần đấu tranh kiên quyết, triệt để, xử nghiêm doanh nghiệp FDI nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp FDI; đôn đốc thu nợ; hoàn thiện hồ sơ chuyển cơ quan Công an những doanh nghiệp FDI cố tình nợ, trốn đóng BHXH để điều tra, xác minh, khởi tố, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Hai là, để cải thiện nguồn vốn thu hút đầu tư, giảm thiểu những nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể gây ra bởi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cần thanh tra đột xuất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, giảm thiểu tối đa các vi phạm về bảo vệ môi trường; hạn chế thu hút FDI vào các ngành sử dụng nhiều năng lượng, ngành gây ô nhiễm môi trường và cần mạnh tay đối với các dự án có những tác động xấu đến môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Ba là, đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác quản lý doanh nghiệp FDI hiện nay như: Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được thu cùng với thuế lợi tức cuối năm; thuế thu nhập cá nhân chủ yếu dựa vào tờ khai do cá nhân tự khai và nộp thuế, nên cần quy định chặt chẽ hơn, tránh tính trạng kê khai thấp để giảm hoặc không phải nộp thuế.

Bốn là, nghiên cứu bổ sung các quy định chặt chẽ để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp FDI; công bố, kiểm soát lỗ lãi của doanh nghiệp; phân tích rõ các yếu tố ảnh hưởng tới chuyển giá, yếu tố nào nảy sinh nguy cơ chuyển giá, từ đó để tìm ra cách thức giải quyết vấn đề.

Năm là, xử lý thật nghiêm minh các doanh nghiệp FDI có hành vi buôn lậu, trốn thuế, lừa đảo.

Trong thời gian tới, để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả phối hợp và phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả nhằm bảo đảm sự lành mạnh trong môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút được nguồn vốn cần thiết cho đất nước.

Mặt khác, chú trọng quan tâm đến các tiêu chí của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;

2. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 78/2014, ngày 18/6/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;

3. Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam (2021), Kỷ yếu Hội nghị đối thoại giữa BHXH Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc về thực hiện chính sách BHXH, BHYT (bảo hiểm y tế) tại tỉnh Đồng Nai;
Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh (2015), TP. Hồ Chí Minh 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh;

4. Báo Đại đoàn kết (2020), Doanh nghiệp FDI vi phạm bảo vệ môi trường: Cần lấp những kẽ hở pháp lý. Truy cập từ http://daidoanket.vn/doanh-nghiep-fdi-vi-pham-bao-ve-moi-truong-can-lap-nhung-ke-ho-phap-ly-505904.html, ngày 10/9/2021;

5. Phạm Thuyên (2019), Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, NXB, Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội;

6. Nguyễn Xuân Yêm và Nguyễn Hòa Bình (2003), Tội phạm kinh tế thời mở cửa, NXB Công an nhân dân.

* ThS. Trần Văn Bình- Trường Đại học Tài chính - Marketing.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 11/2021.