Cần đẩy nhanh đầu tư các dự án điện mới


Việc chậm trễ xây dựng các dự án điện mới không chỉ ảnh hưởng hiệu quả dự án mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung ứng điện cho nền kinh tế.

Việc chậm xây dựng các dự án điện mới là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong những ngày gần đây.
Việc chậm xây dựng các dự án điện mới là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong những ngày gần đây.

Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết từ tháng 3, tháng 4/2023 bắt đầu xuất hiện những điểm khó khăn trong quá trình vận hành hệ thống điện.

Tình hình đặc biệt căng thẳng bắt đầu vào cuối tháng 5 với phụ tải sử dụng điện tăng đột biến.

Từ tháng 4 đến nay, việc cấp điện gặp nhiều khó khăn. Sản lượng điện toàn hệ thống có sự thay đổi rất mạnh, tăng phụ tải lên tới hơn 453 triệu kWh, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng như các nước khác trên thế giới, việc thiếu điện ở Việt Nam liên quan rất lớn đến tình trạng El Nino.

Hàng loạt hồ thủy điện khác khu vực miền Bắc đang ở mực nước chết. Cùng với suy giảm nguồn phát từ các thủy điện, các nhà máy nhiệt điện cũng gặp nhiều sự cố do phải vận hành tối đa công suất trong thời gian dài.

"Để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã huy động tất cả các nguồn điện trên toàn quốc, kể cả các nguồn điện chạy dầu ở mức trên 5.000 đồng/kWh", ông Nguyễn Quốc Trung thông tin.

Khó khăn về cả thủy điện và nhiệt điện đang khiến tình trạng mất điện kéo dài ở miền Bắc trong những ngày qua. 

Theo tính toán của Bộ Công Thương, hệ thống điện miền Bắc đang thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Khi đó, hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.

Để thúc đẩy phát triển hệ thống truyền tải điện, giảm thiểu nguy cơ thiếu điện, theo các chuyên gia, việc cần làm ngay là phải sớm gỡ rào cản cơ chế, dám chịu trách nhiệm và gỡ nút thắt về nguồn, về đầu tư.

TS. Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu điện, trước mắt, những nhà máy điện than đang ở trong quy hoạch, đã được phê duyệt cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.

Bởi "đây là những nhà máy điện than đang trong quy hoạch chứ đừng nói đến điện gió, điện gió ngoài khơi vì nếu chờ kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện 8 thì có thể 1 năm sau chưa chắc đã có".

Đánh giá lại Đề án Tái cơ cấu ngành Điện

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-TTg về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới giao Bộ Công Thương: “Khẩn trương điều chỉnh việc quản lý, chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương theo quy định của Đảng và Nhà nước trong tháng 6/2023 và nghiên cứu thực hiện các chính sách phù hợp, hiệu quả".

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, nhằm tăng cường hoạt động quản lý nhà nước, Bộ Công Thương giao cho Cục Điều tiết điện lực giám sát hoạt động vận hành thị trường điện, điều độ hệ thống điện quốc gia theo tháng, tuần, ngày của A0 đảm bảo hài hòa, công bằng và khách quan, công tâm giữa các đơn vị sản xuất nguồn, truyền tải và kinh doanh.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo liên bộ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho đánh giá lại Đề án Tái cơ cấu ngành điện theo Quyết định 168/ QĐ-TTg, trong đó có A0.

Tìm mọi giải pháp cải thiện tình trạng thiếu điện ở miền Bắc

Theo đánh giá của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), ngày 10/6, khu vực miền Nam và miền Trung vẫn được đảm bảo đáp ứng đủ nhu cần sử dụng điện. Tình trạng cắt điện ở miền Bắc đã được cải thiện nhờ bổ sung nguồn điện. 

Đến thời điểm này, tổng công suất nguồn khả dụng miền Bắc đạt 20.321 MW, trong đó công suất khả dụng của thủy điện là 5.244 MW.

Công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc được huy động tăng thêm 1.000 MW. Nguyên nhân do tới ngày 9/6, sự cố tại một số tổ máy nhiệt điện (S1 Nghi Sơn 1 - 300 MW, Thái Bình 1 S1 - 300 MW, Quảng Ninh S1 -300 MW) đã được khắc phục.

Dự báo trong vài ngày tới, khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, các hồ thủy điện tích cực tích nước để vượt qua mực nước chết. 

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn liên tục đôn đốc, tìm mọi giải pháp để tăng cường vận hành các nguồn nhiệt điện nhằm ứng phó với tình trạng các hồ thủy điện lớn thiếu hụt nước; tiếp tục triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện; đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; tích cực bổ sung các nguồn điện mới cho hệ thống; tập trung khắc phục các sự cố nguồn điện...

Các chuyên gia khuyến cáo dù tình hình thuỷ văn có thuận lợi hơn, nguồn điện than được bổ sung song tình hình nắng nóng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng điện cao, do đó các nhà máy thuỷ điện cần vận hành linh hoạt; tăng cường tích nước các hồ thủy điện; người dân, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện, nguồn nước nhằm tránh áp lực cho hệ thống điện quốc gia, nhất là ở miền Bắc.

Theo Phan Trang/baochinhphu.vn