Cần đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Sự chậm chạp của tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh Việt Nam, vấn đề này đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.

Cần đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp  nhà nước
Sự chậm chạp của tiến trình cải cách DNNN đang ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh Việt Nam. Nguồn: internet
DNNN được ưu đãi nhiều nhưng tận dụng kém

Tại Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) diễn ra ngày 03/12, cộng đồng doanh nghiệp đều có chung nhận định nền kinh tế Việt Nam năm 2013 tiếp tục đối mặt với một số thách thức do mức tăng trưởng chậm trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các chính sách nhằm tái lập sự ổn định kinh tế vĩ mô đã được ghi nhận. Nhờ có các chính sách này, lạm phát được giữ ở mức vừa phải, tỷ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại hối tại Ngân hàng Nhà nước đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm vừa qua và rủi ro quốc gia đang ở mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng được ghi nhận là có cố gắng, nhưng vẫn còn chậm chạp, đặc biệt là tiến trình cải cách DNNN, đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất của cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị lần này.

Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham cho biết, các ước tính cho thấy khu vực DNNN đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế. Bản thân điều này không có gì đáng quan ngại, tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các DNNN nhìn chung được ưu đãi nhiều hơn thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp, v.v... nhưng thường hoạt động không hiệu quả. Điều này đang kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế do dẫn đến việc giảm đầu tư khu vực tư nhân trong các lĩnh vực này. Tại châu Âu, DNNN cũng lớn nhưng họ hoạt động hiệu quả hơn nhiều.

Sự ưu đãi cho DNNN là lớn nhưng khu vực này lại không tận dụng hiệu quả, gây ảnh hưởng sự phát triển kinh tế Việt Nam. Ông Sato Motonobu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhìn nhận, nếu cứ tiếp diễn như vậy thì dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các doanh nghiệp nhà nước có hiệu suất kinh doanh thấp, và năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng sẽ không còn.

Khu vực DNNN bị đánh giá là nơi tồn tại nhiều tham nhũng và xung đột lợi ích. Ông Steven Winkelman, Chủ tịch Amcham phát biểu, các nhà đầu tư đang băn khoăn liệu tập đoàn nhà nước nào tiếp theo sẽ thất bại từ việc mở rộng hoạt động quá mức hay tập đoàn nào sẽ buộc phải kê các tài sản xấu vào bảng cân đối kế toán. Sự phân bổ không hợp lý các nguồn lực hiện vẫn còn tiếp tục trong khi đây là thời điểm Việt Nam cần phải có những quyết định sáng suốt hơn về chi tiêu nguồn vốn và chiến lược kinh doanh.

Cần nhanh chóng cổ phẩn hóa

Việc tiếp tục ưu tiên và “bảo bọc” DNNN sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của khu vực này và nền kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Để nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới, cần tăng tiến trình cải cách DNNN, làm cho khu vực này hoạt động hiệu quả hơn.

Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất các giải pháp trong thời gian tới cần làm là: Áp dụng triệt để các nguyên tắc, kỷ luật thị trường trong hoạt động của DNNN như hạch toán đầy đủ các chi phí vốn, doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp phải chịu đầy đủ trách nhiệm trong hoạt động của mình, tách bạch các hoạt động kinh doanh và hoạt động chính trị - xã hội; Đảm bảo không phân biệt đối xử, cạnh tranh thực sự bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân; Áp dụng các nguyên tắc quản trị hiện đại, tăng tính minh bạch trong quản trị đối với DNNN; Nhanh chóng tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng đại diện quyền sở hữu nhà nước.

Đặc biệt, Chính phủ cân nhắc thoái vốn của DNNN ra khỏi lĩnh vực kinh doanh để chuyển một phần nguồn lực sang các mục tiêu khác cấp bách và cần thiết hơn. Theo Chủ tịch EuroCham, Chính phủ cần tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian sớm nhất có thể để tạo ra một môi trường mang tính cạnh tranh hơn và hoạt động theo cơ chế thị trường.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản hoài nghi về việc liệu Chính phủ có cần giữ cổ phần tại những doanh nghiệp nhà nước có lợi nhuận hay không. Nhóm công tác thị trường vốn của VBF nhận thấy, hiện nhiều ngành nghề của các công ty mà hiện tại nhà nước nắm giữ tỉ lệ lớn không phải các ngành nhạy cảm, chẳng hạn ngành hàng tiêu dùng, sản xuất phân bón. Chính vì vậy, đây là thời điểm để tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỉ lệ sở hữu Nhà nước bằng việc bán cổ phần Nhà nước trong các công ty cổ phần thuộc diện không nhạy cảm.

Hiệp hội Doanh nghiệp Singapo nêu quan điểm,  DNNN phi thương mại cần tập trung vào những nhiệm vụ xã hội chính và tránh đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh tự phát, gây lãng phí nguồn vốn của nhà nước. Cần hạn chế số lượng các DNNN thương mại, yêu cầu những doanh nghiệp này tuân thủ các quy luật thị trường, cũng như không ưu đãi, ưu tiên đặc biệt cho những doanh nghiệp này để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân.

Chính phủ cần phân biệt rõ vai trò hoạch định chính sách và chủ sở hữu doanh nghiệp của mình. Là người hoạch định chính sách, Chính phủ phải điều tiết thị trường theo hướng không phân biệt đối xử giữa DNNN và tư nhân. Là “chủ sở hữu doanh nghiệp”, Chính phủ phải bảo đảm DNNN hoạt động hiệu quả, bền vững, và để làm điều đó đòi hỏi phải có cơ chế quản trị hiệu quả, minh bạch.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ghi nhận mọi ý kiến đóng góp và cho biết, Việt Nam cũng đang rất nỗ lực trong việc cải cách DNNN. Phó Thủ tướng phát biểu: “Thời gian qua, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm vì ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Sắp tới sẽ đẩy nhanh hơn”.  Phó Thủ tướng cho biết thêm, đến năm 2015, Việt Nam sẽ chỉ còn 600 doanh nghiệp nhà nước, và tiếp tục xuống còn 300 doanh nghiệp vào 2020 theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.