Cần đột phá thể chế và xây dựng nền kinh tế tự chủ
(Tài chính) Tinh thần đột phá của thể chế chưa bao giờ được phản ánh mạnh như bây giờ, từ Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, thông điệp Thủ tướng, một loạt các Chỉ thị của Chính phủ. Cách thức triển khai cũng khác biệt so với trước đây, với việc lượng hóa các chỉ tiêu và có cơ chế giám sát thực thi rõ ràng.
Từ quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ…
Trong các kỳ họp Quốc hội, tại các phiên thảo luận về kinh tế, vấn đề được nhắc lại với tần suất cao là “quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (DN)” và “đột phá về thể chế”.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã đưa ra tờ trình thảo luận về sửa đổi Luật DN trong cuộc đua quốc tế và đưa ra dự báo định lượng rõ ràng. Cụ thể, nếu áp dụng Luật DN sửa đổi, chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), sẽ tăng 50 bậc, còn chỉ số bảo vệ nhà đầu tư dự báo tăng khoảng 30 bậc.
Đây có thể coi là bước đột phá chuyển từ “chiếu dưới lên chiếu trên”, từ dưới trung bình thành nhóm 30 nền kinh tế có chỉ số gia nhập thị trường rất tốt.
Để thúc đẩy tái cấu trúc DN Nhà nước, Chính phủ đã ra Nghị quyết 15/NQ-CP năm 2014 với các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN với chương trình quyết liệt nhất từ trước tới nay: Trong 2 năm phải cổ phần hóa 432 DN…
Không chỉ đặt mục tiêu, Chính phủ đã đưa ra cơ chế giám sát thực thi, ví dụ trong 2 năm các DNNN không hoàn thành cổ phần hóa có thể thay người đứng đầu.
Chính phủ có Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 về nâng cao năng lực cạnh tranh với quyết tâm cải cách rộng lớn nhất và quyết liệt từ trước đến nay, cải cách thể chế trong cuộc đua tranh khu vực. Trong đó, đáng chú ý, Nghị quyết 19 đã nêu ra yêu cầu 2 năm, cụ thể từ nay đến năm 2015, cải cách thể chế phải đạt mức tiên tiến của ASEAN.
Ví dụ, nói riêng lĩnh vực thuế, thời gian thực hiện các thủ tục về thuế của DN phải giảm còn 171 giờ/ năm, thay vì 872 giờ/năm như hiện nay.
Với vai trò của mình, VCCI đã phối hợp với cộng đồng DN, nghiên cứu điều tra xã hội học để báo cáo Chính phủ và công khai công luận về tín nhiệm người dân về công tác điều hành chính quyền địa phương (Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI), cũng như tín nhiệm giữa người dân và DN với các bộ, ngành.
Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg năm 2014 về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của DN, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội đến năm 2015. Trong đó, Chỉ thị 11 có giao cho VCCI hằng tháng báo cáo với Thủ tướng định kỳ và 3 tháng/lần báo cáo trước Chính phủ về kết quả thực thi Chỉ thị, từ đó tạo áp lực thúc đẩy việc thực thi.
Vai trò sứ mệnh của DN là hội nhập vững mạnh, hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo vệ sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Đây cũng chính là điều Chính phủ ngày càng quan tâm sát sao.
Mới đây, tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), Thủ tướng dành nhiều thời gian đối thoại thẳng thắn với cộng đồng DN trong nước và quốc tế, với 300 kiến nghị cụ thể được đưa ra. Các kiến nghị của cộng đồng DN được Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vướng mắc, điều này đã tạo dựng niềm tin vào sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng: Việc xây dựng lòng tin của cộng đồng DN chính là những ứng xử của Chính phủ, các địa phương qua việc khẩn trương giải quyết các sự cố gây rối trật tự xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng, gây thiệt hại đối với một số DN FDI vừa qua.
Chính khả năng kiểm soát tình hình, hỗ trợ các DN FDI nhanh chóng vượt qua khó khăn được cộng đồng các DN đánh giá rất cao về môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Đến nỗ lực của DN tận dụng cơ hội, xây dựng kinh tế tự chủ
Phải nhìn nhận thực tế hiện nay, về nguồn cung ứng đầu vào cho sản xuất trong ngành dệt may, với một số nguyên phụ liệu, chúng ta đã phải nhập khẩu tới 50-60% từ thị trường Trung Quốc, và có tới 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung tín dụng và vật tư nguyên liệu, hàng hóa từ Trung Quốc rất dồi dào và tương đối rẻ so với các đối thủ cạnh tranh.
Do vậy, từ góc độ kinh tế, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới trong việc duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, đồng thời tăng cường các biện pháp hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này. Rất cần tìm những lối ra cho nền kinh tế để tránh tình trạng lệ thuộc như hiện nay.
Sự leo thang của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông gần đây chính là sự cảnh báo cao hơn với đất nước trong việc xây dựng một nền kinh tế tự chủ hơn nữa.
Đặc biệt, trong bối cảnh những năm tới đây, các hiệp định thương mại tự do, hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các DN có đủ năng lực cần nỗ lực vươn lên hợp tác chặt chẽ với các đối tác.
Với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu thế giới trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Nga... và các nền kinh tế khác máy móc, thiết bị, công nghệ, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và hàng tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn, phần nào có thể cạnh tranh được với nguồn cung giá rẻ từ Trung Quốc, đồng thời thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu đầu vào trong một số ngành, lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của Việt Nam.
Phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản, các khu, cụm công nghiệp và thông qua các hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đa dạng hóa đầu ra cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản Việt Nam tại các thị trường khó tính, nhưng đầy tiềm năng của thế giới. Đây là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam mà cho đến nay chúng ta còn chưa làm tốt.
Các doanh nhân Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội khi phối hợp làm ăn với các tập đoàn nước ngoài, tập đoàn xuyên quốc gia. Tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà tạo dựng “lá chắn” vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền của đất nước, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.