Ngành Hải quan đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ xuất khẩu nông sản

Trần Huyền

Trong việc quản lý hàng nông sản xuất khẩu, cơ quan Hải quan đóng vai trò như một mắt xích quan trọng vừa kiểm soát hoạt động xuất khẩu nông sản, vừa góp phần thúc đẩy hoạt động này phát triển. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua biên giới.

Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng phát biểu tại Hội thảo “Xuất, nhập khẩu nông sản qua biên giới trong bối cảnh mới: Thực trạng và giải pháp”.
Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng phát biểu tại Hội thảo “Xuất, nhập khẩu nông sản qua biên giới trong bối cảnh mới: Thực trạng và giải pháp”.

Cơ quan hải quan là mắt xích quan trọng

Chia sẻ tại Hội thảo “Xuất, nhập khẩu nông sản qua biên giới trong bối cảnh mới: Thực trạng và giải pháp” do Tổng cục Hải quan và Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng nhận định, cơ quan Hải quan có vai trò trong việc xây dựng, trình Bộ Tài chính và Chính phủ dự thảo nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Việc đổi mới mô hình kiểm tra chuyên ngành được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian, giúp tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa; giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa.

Trước tình hình diễn biến trên thế giới và nội tại Việt Nam phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, vai trò quản lý, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan theo Luật Hải quan là rất quan trọng nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam, thu hút dịch chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam sản xuất sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam, nâng cao tính tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp về các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong việc quản lý hàng nông sản xuất khẩu, cơ quan Hải quan đóng một vai trò như một mắt xích quan trọng vừa kiểm soát hoạt động xuất khẩu nông sản, vừa góp phần thúc đẩy hoạt động này phát triển.

Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, nông sản Việt Nam xuất khẩu đang phải chịu 2 hàng rào kỹ thuật quan trọng nhất là an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Vai trò đầu mối của cơ quan Hải quan được thể hiện nổi bật thông qua việc xây dựng, vận hành phần mềm trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để tự động: tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; quyết định phương thức kiểm tra trên cơ sở thu thập, xử lý các dữ liệu về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; chuyển hồ sơ đến các cơ quan kiểm tra, tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định; đảm bảo công khai minh bạch thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ, ngành và các cơ quan liên quan.

Với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm gác cửa nền kinh tế đất nước, trực tiếp tiếp xúc với hàng hóa, doanh nghiệp, cơ quan hải quan đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để lấp lỗ hổng pháp lý mà doanh nghiệp lợi dụng để gian lận; kiến nghị trao đổi, cung cấp các thông tin liên quan đến mặt hàng, doanh nghiệp có nguy cơ cao về gian lận.

Cơ quan hải quan cũng phối hợp với các hiệp hội để thực hiện đánh giá năng lực sản xuất, xuất khẩu nông sản, xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thích hợp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để phát hiện sớm các trường hợp gian lận thương mại.

Về hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế, cơ quan hải quan đã chủ động sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với cơ quan hải quan, cơ quan điều tra các nước để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng gian lận, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng.

Cũng theo ông Tưởng, thời gian qua, ngành Hải quan cũng đặt mục tiêu hỗ trợ cá nhân, tổ chức có liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, đầy đủ các quy định của pháp luật hải quan, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật hải quan nói chung và các quy định liên quan đến nông sản xuất khẩu nói riêng. Với mục tiêu đó, hải quan các cấp luôn ưu tiên tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức phối hợp với cơ quan hải quan thực hiện các hoạt động cải cách thủ tục hành chính và cải cách hiện đại hóa hải quan.

Hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Để hỗ trợ, thúc đấy hoạt động nông sản xuất khẩu, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng nông sản Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng cho biết, thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan, tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan nhanh chóng trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu tại địa bàn; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa.

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các chi cục hải quan nơi có hàng nông sản xuất khẩu cần tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung. Đồng thời, giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp.

Trong giai đoạn cao điểm tại các cửa khẩu, ngành Hải quan tiếp tục chủ động ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời không tiến hành kiểm tra việc bảo quản hàng hoá tại địa điểm bảo quản hàng hóa thuộc các khu vực phong tỏa cho đến khi các khu vực này được dỡ bỏ phong tỏa, cũng như hướng dẫn xem xét việc không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan do tình huống bất khả kháng.

Đối với hoạt động kiểm tra sau thông quan, tạm dừng tổ chức kiểm tra đánh giá tuân thủ đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với việc kiểm tra, giám sát hàng nông sản xuất khẩu, cơ quan hải quan đã và đang tiếp tục xây dựng và nâng cao mô hình địa điểm kiểm tra hồ sơ tập trung; chủ động phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, chi tiết mã số HS, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra; Đẩy mạnh áp dụng nguyên tắc kiểm tra theo phương pháp phân luồng quyết định kiểm tra.

Cùng với đó, ngành Hải quan tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả hệ thống thông quan điện tử, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện kết quả kết nối trao đổi thông tin thương mại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan… nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản.

Ngoài các nội dung trên, Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng thông tin thêm, ngành Hải quan cũng sẽ tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp liên quan đến phát triển và quản lý hệ thống logistics nhằm giảm bớt thời gian, chi phí lưu thông hàng hóa; Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng; Tuyên truyền nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản...