Cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
(Tài chính) Theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, Nghị quyết số 15 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được Chính phủ ban hành cho phép “thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá” là giải pháp mang tính đột phá, giúp đẩy nhanh hơn tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần có sự kiểm soát chặt chẽ công tác này để tránh sự thất thoát nguồn vốn nhà nước.
Ông Nguyễn Trí Hiếu
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết, tôi thấy đó là một chủ trương hết sức hợp lý của Chính phủ khi Chính phủ cho phép thoái vốn dưới giá mà các công ty, các DNNN đã mua tại các công ty tài chính, bất động sản, ngân hàng… Đây là chủ trương thích hợp với môi trường hiện tại của ngành tài chính ngân hàng, vì rất nhiều những cổ phiếu ngân hàng, các công ty tài chính hiện tại sút giảm rất sâu so với lại cách đây khoảng chục năm trước - khi mà các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Do đó, việc cho phép các DNNN bán dưới mệnh giá cổ phiếu đã mua trước là chủ trương đúng để có thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình thoái vốn khỏi các ngân hàng của các DNNN.
Cùng với đó, Nghị quyết 15 của Chính phủ cũng cho phép nới room đối với các ngân hàng, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này. Điều này có mở ra cơ hội cho các ngân hàng hay liệu chúng ta có phải lo ngại điều gì không với quyết định này?
Các đối tác nước ngoài thời gian qua không mấy mặn mà với việc đầu tư vào các ngân hàng. Việc nới room cho ngân hàng nước ngoài tại các ngân hàng trong nước là điều cần thiết để họ có được một vị trí trong việc quản trị ngân hàng, nên có thể tăng từ trên 20 - 25% thậm chí có thể nghiên cứu ở một tỷ lệ cao hơn nữa...
Nghị quyết 15 cũng cho phép có thể giao các ngân hàng nhà nước mua lại hoặc chuyển ngân hàng nhà nước làm đại diện chủ sở hữu đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo Ông điều này liệu có “làm khó” hơn cho các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay?
Thứ nhất, Chính phủ cho phép các DNNN tự đi tìm nhà đầu tư để bán lại cổ phần, cổ phiếu của mình.
Thứ hai là các ngân hàng thương mại có thể mua lại các cổ phần, cổ phiếu đó từ các DNNN.
Thứ ba là ngay cả ngân hàng trung ương cũng có thể mua lại cổ phần, cổ phiếu đó.
Và thứ tư là có thể bán cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), rồi từ SCIC có thể bán cho các tổ chức kinh tế khác. Với 4 phương cách đó thì phương cách đầu tiên có lẽ là tốt nhất. Vì khi doanh nghiệp tự tìm đối tác để bán cổ phần, cổ phiếu của mình..
Tôi không ủng hộ cách thứ hai, bởi nếu để các ngân hàng thương mại mua cổ phần, cổ phiếu thì có thể họ sẽ được chỉ đạo mua trong khi những cổ phần, cổ phiếu đó chưa chắc đã phù hợp với chiến lược kinh doanh của ngân hàng đó. Đấy là chưa kể các ngân hàng thương mại đó cũng lại đang có cổ phần, cổ phiếu tại các ngân hàng, tổ chức tài chính mà họ sắp bán cổ phần cho mình. Vô hình chung sẽ làm tăng tỷ lệ sở hữu của các ngân hàng quốc doanh có tại ngân hàng đó, thậm chí có thể vượt cả những quy định của ngân hàng Trung ương, vượt cả các quy định của luật các tổ chức tín dụng.
Về phương án thứ ba là để các ngân hàng Trung ương mua các cổ phần, cổ phiếu lại càng không hợp lý. Vì nó đi ngược lại với chức danh của ngân hàng Trung ương. Ngân hàng Trung ương là cơ quan quản ly nhà nước, nếu bây giờ được mua cổ phần, cổ phiếu thì lại đi tham gia vào việc kinh doanh của hệ thống ngân hàng thương mại. Điều này sẽ gây xung đột về ích lợi, trách nhiệm và chức năng. Cách thứ tư tôi ủng hộ là việc bán cho SCIC, họ có thể mua cổ phần, cổ phiếu như một bãi đỗ tạm thời trước khi họ có thể bán những cổ phần, cổ phiếu đó cho các tổ chức kinh tế khác.
Cũng có khá nhiều lo ngại là khi cho phép bán dưới mệnh giá, nếu không kiểm soát tốt sẽ nảy sinh tiêu cực. Theo Ông thì phải làm gì để hạn chế điều này?
Theo tôi, cách tốt nhất là nên thành lập một Ủy ban Quốc gia về vấn đề thoái vốn. Ủy ban này sẽ có các thành phần tham dự từ Ngân hàng Trung ương và các bộ ngành. Ủy ban phải độc lập với ngân hàng Trung ương cũng như độc lập với Bộ Tài chính. Ủy ban hoạt động với tư cách giám sát và hỗ trợ việc thoái vốn. Với bất cứ một thương lượng nào đó, một DNNN muốn thoái vốn từ ngân hàng nào đó thì hai bên thương lượng với giá thị trường. Nhưng việc thương lượng đó, với cái giá đó phải được đặt dưới sự giám sát của ủy ban giám sát này. Ủy ban này không trực tiếp tham gia đàm phán nhưng lại là đơn vị đứng ngoài độc lập để thẩm định việc thương lượng về giá cả, về điều kiện có thích hợp hay không. Theo tôi, cần thiết phải có một cơ quan như thế để tránh việc hai bên thương lượng với một mức giá hoặc quá cao hoặc quá thấp, hoặc có lợi cho bên này hoặc có lợi cho bên kia mà cuối cùng là lợi ích quốc gia bị thiệt hại..
Xin trân trọng cám ơn Ông!