Việt Nam trước diễn biến mới của thương chiến Mỹ - Trung:

Cần lấy tính ổn định làm trọng

Theo bizlive.vn

Góc nhìn của TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia về những ảnh hưởng đối với Việt Nam từ những diễn biến mới trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Đối sách với Việt Nam là cần lấy tính ổn định làm trọng mới ứng phó được các bất ổn của thế giới. Nguồn: internet
Đối sách với Việt Nam là cần lấy tính ổn định làm trọng mới ứng phó được các bất ổn của thế giới. Nguồn: internet

Thế giới đang theo dõi sát sao cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi nó đang có nguy cơ bùng phát chiến tranh tiền tệ, nếu các nước phá giá nội tệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá. Điều này xảy ra sẽ rất nguy hiểm, các quốc gia sẽ phải trả giá bằng nhiều hệ luỵ sau đó.

Căng thẳng trong thương chiến Mỹ - Trung dựa trên “lý thuyết của Trump”, đó là GDP của Mỹ dựa vào ba yếu tố: Tiêu dùng nội địa (7% GDP) + Đầu tư công của Chính phủ (12% GDP) + Đầu tư tư nhân (21% GDP) - Thương mại quốc tế (âm 3% GDP).

Bên cạnh vấn đề kích thích đầu tư tư nhân nội địa, vấn đề nan giải của Mỹ là làm sao giảm thâm hụt thương mại từ âm 3% GDP về 0%?

Mục đích của ông Donald Trump là đánh thuế hàng Trung Quốc tới mức tiêu dùng nội địa của Trung Quốc tăng lên 2% (nhất là tiêu dùng hàng Mỹ), để “xoá sổ” mức âm 3% thâm hụt thương mại của Mỹ.

Thương chiến với Trung Quốc, Mỹ không lo ngại nhiều, vì tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu mới chỉ chiếm 27% GDP. Còn Việt Nam tới 200% GDP, cho thấy Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu nên đáng quan ngại.

Đối sách với Việt Nam là cần lấy tính ổn định làm trọng mới ứng phó được các bất ổn của thế giới. Trên nền tảng ổn định đó mới có nhiều công cụ và lựa chọn lúc cấp bách.

Và làm sao để ổn định các ngân hàng thương mại? Đây là thời điểm vô cùng quan trọng của các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng thương mại nên rà soát lại danh mục cho vay, nhất là các khách hàng lớn nhất về cho vay, đánh giá lại toàn bộ tình trạng cho vay trung hạn, dài hạn để tái cấu trúc và có biện pháp dự phòng ứng phó ngay từ bây giờ. Điều quan trọng nhất là cứu, nếu không cứu được thì bỏ.

Hai năm gần đây các ngân hàng thương mại quay lại thời kỳ tăng trưởng khả quan nhất trong lịch sử ngân hàng. Các ngân hàng Việt đang được xếp hạng ngang hàng các NHTM ở Đông Nam Á.
Việt Nam có thoát được ảnh hưởng khủng hoảng hay không phụ thuộc rất lớn vào Ngân hàng Nhà nước, phụ thuộc rất lớn vào sự ổn định của các ngân hàng thương mại.

Nếu để các ngân hàng thương mại bất ổn là nguy. Bối cảnh quốc tế như vậy, tình hình tài chính thế giới như vậy, nếu chính sách tiền tệ vững, nếu các định chế tài chính, đặc biệt là các ngân hàng vững thì có thể chống chọi được.