Cần lưu ý gì khi tích hợp hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất?

Cẩm An

Ngoài áp dụng riêng lẻ, hiện nhiều doanh nghiệp Việt còn áp dụng tích hợp hệ thống quản lý chất lượng và công cụ cải tiến năng suất, giúp doanh nghiệp thu về lợi ích đáng kể.

Khi triển khai tích hợp nhiều tiêu chuẩn cùng một lúc, doanh nghiệp cần chú ý tới những điểm tương đồng của các tiêu chuẩn.
Khi triển khai tích hợp nhiều tiêu chuẩn cùng một lúc, doanh nghiệp cần chú ý tới những điểm tương đồng của các tiêu chuẩn.

Áp dụng các công cụ cải tiến năng suất được nhiều chuyên gia năng suất, chất lượng đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ví dụ điển hình như, công cụ cải tiến năng suất hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) giúp doanh nghiệp hình thành phương pháp và cách thức kiểm soát chi phí đối với nguyên vật liệu tham gia quá trình sản xuất và giảm lãng phí.

Công cụ bảo trì năng suất tổng thể (TPM) giúp doanh nghiệp tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày...

Công cụ 6 Sigma giúp giảm sai lỗi, giảm chi phí, tăng sự hài lòng của khách hàng và bảo đảm giao hàng đúng hẹn, đồng thời là cơ sở quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, áp dụng mô hình quản lý tinh gọn (Lean), Kaizen, 5S sẽ giúp doanh nghiệp loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ chất lượng, hướng mọi hoạt động của tổ chức theo hướng tinh gọn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ cải tiến, ngăn ngừa được sai lỗi, giảm thiểu rủi ro, từ đó nâng cao năng suất…

Giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực, mang lại nhiều lợi ích

Trên thế giới, việc tích hợp các hệ thống quản lý và công cụ nâng cao năng suất, chất lượng đã được áp dụng ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Tây Ban Nha...

Khi tích hợp với nhau, việc triển khai duy trì áp dụng tích hợp hệ thống quản lý với công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực
Khi tích hợp với nhau, việc triển khai duy trì áp dụng tích hợp hệ thống quản lý với công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực

Theo Tổ chức Del Norske Veritas (D.N.V) - một trong các tổ chức chứng nhận hàng đầu trên thế giới thành lập năm 1864 tại Na Uy, việc hợp nhất các mô hình hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp thành mô hình quản lý tích hợp là giải pháp tối ưu nhất.

Tại Việt Nam, ngoài áp dụng riêng lẻ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã áp dụng tích hợp hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; hoặc kết hợp giữa nhiều hệ thống quản lý với nhau...

Triển khai duy trì áp dụng tích hợp hệ thống quản lý với công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực, mang lại các lợi ích như: giảm thiểu mâu thuẫn giữa các hệ thống quản lý đơn lẻ, tránh được sự cồng kềnh về hệ thống tài liệu, đồng thời rút ngắn thời gian từ 20 - 30% so với áp dụng hệ thống riêng lẻ; giúp quá trình đánh giá nội bộ, bên ngoài tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả.

Hạn chế sự trùng lặp, sắp xếp lại các mục tiêu và nâng cao khả năng kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp; chủ động kiểm soát các quá trình chất lượng/môi trường/an toàn thực phẩm/an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp, hạn chế rủi ro không đảm bảo về chất lượng, sự cố môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, rủi ro sản phẩm lỗi, rủi ro hỏng hóc máy móc, thiết bị sản xuất hay rủi ro tiến độ, rủi ro về an toàn, tai nạn lao động, sức khoẻ người lao động…

Chứng minh với khách hàng rằng doanh nghiệp có trách nhiệm với định hướng phát triển bền vững; tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp; tăng thu nhập đối với người lao động…

Có thể khẳng định, việc tích hợp hệ thống quản lý kết hợp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng góp phần giúp doanh nghiệp tối ưu các nguồn lực, mang lại nhiều lợi ích; đồng thời tiếp cận tốt hơn đối với các rủi ro trong kinh doanh, nâng cao khả năng đáp ứng và năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp.

Các chuyên gia năng suất, chất lượng lưu ý, khi triển khai tích hợp nhiều tiêu chuẩn cùng một lúc, doanh nghiệp cần chú ý tới những điểm tương đồng của các tiêu chuẩn. Điều đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí.

Mỗi lĩnh vực quản lý đều có hệ thống tiêu chuẩn riêng. Hiện chưa có tiêu chuẩn chung nào cho việc kết hợp các hệ thống quản lý. Đối với các doanh nghiệp, kết hợp hay tích hợp hệ thống quản lý có nghĩa là sáp nhập các hệ thống riêng lẻ vào thành hệ thống duy nhất dựa trên các tiêu chuẩn vốn có của nó.

Vì vậy, doanh nghiệp cần tùy vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh, quy mô, chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu mà chọn lựa đúng đắn, hợp lý các tiêu chuẩn để dễ dàng cho việc nhận diện, đánh giá các mặt trọng yếu, rủi ro và cơ hội, xác định điểm mấu chốt có ảnh hưởng đến lĩnh vực quản lý của mình...