Vì sao cần cấp bách nâng cao năng suất lao động ngành cơ khí?
Việc cải thiện năng suất lao động (NSLĐ) tổng thể nói chung và NSLĐ của ngành cơ khí nói riêng đóng vai trò quan trọng, cấp thiết đối với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Ngành cơ khí là xương sống cho sự phát triển của ngành khác
Cơ khí là ngành xương sống, là cơ sở cho sự phát triển của các ngành nghề khác và sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp cơ khí được coi là ngành mũi nhọn, là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển.
Ngành công nghiệp cơ khí trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao NSLĐ quốc gia.
Xét tới yếu tố bối cảnh, những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) trên toàn thế giới đã đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc gia tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh đối với mỗi quốc gia.
Một trong những biện pháp để đạt được mục tiêu đó là cải thiện NSLĐ nói chung, trong đó cải thiện NSLĐ ngành cơ khí được xem như vấn đề mấu chốt.
Đứng trước yêu cầu của bối cảnh, mức độ và tốc độ phát triển của toàn nền kinh tế đòi hỏi sự cấp thiết cải thiện NSLĐ ngành cơ khí bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, NSLĐ của Việt Nam thấp. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo, trong đó có ngành cơ khí đóng vai trò dẫn dắt NSLĐ Việt Nam nhưng NSLĐ nội ngành còn thấp dẫn đến việc cải thiện NSLĐ bằng con đường chuyển dịch cơ cấu lao động sang nhóm ngành này chưa hiệu quả.
Tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, phần lớn tụt hậu so mức trung bình của thế giới. Các hoạt động của ngành công nghệp chế biến chế tạo chủ yếu là hoạt động gia công, lắp ráp ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng NSLĐ ngành cơ khí là biện pháp thiết yếu nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng NSLĐ quốc gia.
Ảnh hưởng mạnh mẽ từ cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ hai, nhu cầu thị trường cơ khí cho tiêu thụ tại chính Việt Nam và cung ứng ra thế giới ngày càng lớn. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân luôn ở mức 6 - 6,5%/năm, quy mô của nền kinh tế trên 250 tỷ USD, có thể xác định quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo ở Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD.
Nhu cầu phát triển của thị trường trong nước đối với ngành cơ khí rất cao và đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm của ngành cơ khí Việt Nam chưa chiếm lĩnh được thị trường trong nước do năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
Thứ ba là ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Cuộc cách mạng này có thể tạo ra sự bất công lớn, khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa.
Không thể phủ nhận những cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách phát triển về kinh tế so với các nước trong khu vực. Đây còn là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng này sẽ làm giảm, thậm chí làm triệt tiêu lợi thế truyền thống của Việt Nam bấy lâu nay, đó là nhân công rẻ, dồi dào, sản xuất dựa trên lợi thế tài nguyên. Vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm cải thiện NSLĐ là biện pháp cần thiết giúp Việt Nam không bị tụt hậu quá xa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ năm là ảnh hưởng từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, như tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… khiến các rào cản thuế quan được dỡ bỏ.
Các sản phẩm nước ngoài ồ ạt tràn vào với chất lượng tốt đáp ứng tiêu chuẩn, giá thành rẻ là thách thức đối với sản phẩm cơ khí trong nước, vốn chưa tự chủ được nguyên vật liệu và linh kiện phụ tùng sử dụng trong sản phẩm.
Các doanh nghiệp cơ khí muốn tồn tại phải đầu tư công nghệ, xác định đúng thị trường mục tiêu, đảm bảo chất lượng sản phẩm, thay đổi quy trình quản lý, quy trình sản xuất để tăng sức cạnh tranh.
Nhìn chung, chịu tác động bởi nhiều yếu tố như vốn, mức độ thành thạo và trình độ của người lao động, ứng dụng sáng chế khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng…, NSLĐ không chỉ phản ánh hiệu quả sử dụng lao động mà còn phản ánh sức cạnh tranh của nền kinh tế, là yếu tố quyết định để phát triển nhanh, phát triển bền vững.
Vì vậy, việc cải thiện NSLĐ tổng thể nói chung và NSLĐ của ngành cơ khí nói riêng đóng vai trò quan trọng và cấp thiết đối với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Đặc biệt, cải thiện NSLĐ là biện pháp thiết yếu nhằm phát triển nền kinh tế, gia tăng năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế quốc gia trên thị trường quốc tế trong bối cảnh hội nhập đa quốc gia, tự do hóa thương mại và yêu cầu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.