Cần nâng cao vai trò của báo chí trong tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Tuấn Kiệt

(Tài chính) Thực tế truyền thông tại các quốc gia có lĩnh vực điện hạt nhân phát triển cho thấy cần có sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ của báo chí trong quá trình phát triển điện hạt nhân nhằm tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội, xây dựng một ý chí hành động thống nhất chung từ trên xuống dưới. Vấn đề này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam quyết định chủ trương phát triển điện hạt nhân và đang chuẩn bị dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Các hội thảo quốc tế về điện hạt nhân được tổ chức ở Việt Nam cần có sự tuyên truyền mạnh mẽ hơn từ báo chí.
Các hội thảo quốc tế về điện hạt nhân được tổ chức ở Việt Nam cần có sự tuyên truyền mạnh mẽ hơn từ báo chí.

“Làm cho dân hiểu”

Phát triển điện hạt nhân là một chủ trương đúng đắn, là một chiến lược mang tính đột phá và chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước ta nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó giải quyết được vấn đề an ninh năng lượng trong một tương lai gần. Việt Nam có một chính sách nhất quán về phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình, trong đó quan tâm đến vấn đề đảm bảo an ninh hạt nhân phù hợp với cơ chế quốc tế.

Tuy nhiên, không quá khó hiểu khi sau sự cố hạt nhân ở Nhật Bản và một số quốc gia khác phần nào làm dấy lên mối lo ngại trong dân chúng. Thực tế cũng cho thấy, ở nước ta, trong dư luận xã hội vẫn tồn tại những băn khoăn, lo ngại xung quanh những yếu tố rủi ro tiềm ẩn từ điện hạt nhân.

Theo nhiều chuyên gia tâm lí, trong nhiều năm qua, ở nước ta, lĩnh vực năng lượng hạt nhân cũng đã trải qua một quá trình “thiếu hụt nhận thức” trong dư luận xã hội. Điều này bắt nguồn từ việc đại đa số công chúng đều chưa có nhận thức đầy đủ về năng lượng hạt nhân, dẫn đến sự ủng hộ không đồng đều với các chương trình hạt nhân.

Nhận thức tầm quan trọng của việc “làm cho dân hiểu”, Quyết định 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 cũng đã nêu rõ: Cần xây dựng chương trình thông tin đại chúng về điện hạt nhân đồng bộ với chương trình phát triển điện hạt nhân; đảm bảo thông tin kịp thời và minh bạch về điện hạt nhân; Duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với tất cả các khâu của dự án điện hạt nhân, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, triển khai và đưa vào vận hành các dự án điện hạt nhân.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó xác định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong chương trình phát triển điện hạt nhân. Điều này cho thấy, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết đúng đắn của người dân về sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường phục vụ triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, công tác thông tin, truyền thông, đặc biệt là vai trò tuyên truyền của báo chí cần được coi trọng, ưu tiên hàng đầu và đi trước một bước.

Kinh nghiệm của Uỷ ban tư vấn của Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp (ASN) về mối quan hệ với báo chí cho thấy: Cơ quan này luôn đặt mục tiêu xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với báo chí trung ương và địa phương. Hằng năm, có hơn 30 cuộc họp báo ở trung ương và địa phương, hơn 20 thông cáo báo chí, khoảng 100 bản ghi nhớ thông tin và nhiều cuộc phỏng vấn được gửi đến hoặc thực hiện đối với các cơ quan báo chí. Ngoài ra, cơ quan này cũng chủ động tổ chức giới thiệu cuốn Báo cáo hàng năm cho các nhà báo, qua đó giúp nhà báo lựa chọn vấn đề để đăng tải.

Như vậy, trong rất nhiều các phương thức tuyên truyền truyền thông đến người dân thì sử dụng công cụ báo chí một trong những giải pháp quan trọng và mang đến hiệu quả cao nhất. Do vậy, trong thời gian tới, báo chí cần chủ động tuyên truyền về điện hạt nhân qua việc kịp thời tuyên truyền, phổ biến về những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển điện hạt nhân, đặc biệt là các nội dung trong “Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 370/QĐ-TTg và Quyết định 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030.

Bằng các bài viết, hình ảnh, phóng sự của mình, báo chí cần góp phần tạo sự nhận thức và hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, báo chí cần tuyên truyền tập trung hướng đến củng cố và xây dựng thái độ tích cực của công chúng với các dự án năng lượng hạt nhân, từ đó tạo sự đồng thuận cao nhất của công chúng cho việc triển khai thành công Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như phát triển điện hạt nhân một cách bền vững ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, báo chí cũng có thể giúp tăng cường hiểu biết người dân hoặc cảnh báo những nguy cơ sớm có thể hạn chế được những tổn thất nếu không may sự cố xảy ra. Báo chí cũng có thể là kênh thông tin giúp tiếng nói phản biện của người dân đến với các quản lý từ đó có các điều chỉnh phù hợp trong cơ chế chính sách liên quan đến phát triển điện hạt nhân.

Một số kiến nghị

Trong phát triển kinh tế - xã hội, vai trò của báo chí vô cùng quan trọng, nhằm giúp tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách, giúp người dân hiểu rõ, thông suốt để từ đó nhanh chóng đưa các chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, với vai trò quan trọng của mình, báo chí có vai trò quan trọng nhằm giải đáp và tháo gỡ những “nút thắt” nhằm tiến đến sự đồng thuận cao nhất của dư luận xã hội ở bất cứ một vấn đề, trong đó phát triển điện hạt nhân cũng không phải ngoại lệ.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đối với phát triển điện hạt nhân, trong thời gian tới, vai trò và sự vào cuộc của báo chí cần đậm nét hơn. Để làm được điều này, trong thời gian tới cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Theo đó, các thông tin liên quan đến những kết quả về hoạt động hợp tác quốc tế, xây dựng chính sách, các bước chuẩn bị để xây dựng nhà máy điện hạt nhân… cần chủ động cung cấp cho báo chí để nhanh chóng đưa đến người dân. Không chỉ các “thông tin tốt”, mà các thông tin bất lợi cũng cần được công khai, theo các mức độ khác nhau nhằm tránh sự “đồn đoán” trong các tin bài của báo chí, từ đó gây ra những hiểu lầm hoặc những cách hiểu ngược chiều trong dân chúng. Ngoài ra, các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế liên quan đến phát triển điện hạt nhân cần có sự tham gia của báo chí...

Hai là, cần định hướng các chương trình tuyên truyền theo từng chủ đề trong từng thời kì nhất định với cách tiếp cận dễ dàng giúp độc giả từng báo, tạp chí nói riêng và người dân nói chung hiểu biết sâu hơn về vấn đề cần tuyên truyền. Theo đó, đối với từng đối tượng độc giả, từng loại hình báo chí, từng lĩnh vực báo chí và từng thời điểm cụ thể, cần cung cấp thông tin theo hướng chuyên đề nhất định như thế, việc nắm bắt thông tin sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.

Ba là, cần tổ chức các chuyến thăm, khảo sát có sự tham gia của báo chí nhằm giúp các nhà báo đưa thông tin một cách chính xác, xác thực, nhằm xây dựng niềm tin ngay chính của báo chí và cộng động xã hội.