Cần nâng chế tài bỏ cọc sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm

Theo Linh Đan/kinhtemoitruong.vn

Cảnh báo sau sự việc 2/4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm bỏ cọc, các chuyên gia đề xuất mức phạt cho hành vi này cần nâng lên 20-30% số tiền trúng đấu giá.

2/4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) đã bỏ cọc.
2/4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) đã bỏ cọc.

Tiếp theo Tân Hoàng Minh, mới đây Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh đã có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng về việc xin bỏ cọc lô đất 3 - 9. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, có 2/4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm bỏ cọc.

Các doanh nghiệp trúng đấu giá còn lại cũng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Các chuyên gia bất động sản tiếp tục đưa ra các cảnh báo, đồng thời đề xuất nâng mức phạt cho hành vi này đến tránh xảy ra những tiền lệ xấu.

Tại hội thảo mới đây bàn về bài học từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) - HoREA cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn về năng lực tài chính của nhà đầu tư. Ông chỉ rõ, Công ty Bình Minh mới thành lập hai tháng, chưa có kinh nghiệm trong đầu tư dự án bất động sản nhưng vẫn có thể tham gia và trúng đấu giá đất là một ví dụ.

Chủ tịch HoREA nhắc đến khả năng, đơn vị tham gia đấu giá với mục đích "đánh bóng" thương hiệu, tạo sức hút cho cổ phiếu hoặc trái phiếu. Thời gian qua, nếu không có những thông điệp mạnh mẽ từ Chính phủ, các nhà đầu tư lại huy động vốn từ ngân hàng để tham gia đấu giá. Vì thế, cần hoàn thiện quy định pháp luật để tránh những mặt xấu.

Ông Châu nhận định qua cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm, thành phố mất rất lớn khi giá đất được đẩy lên. Số tiền nhà đầu tư bỏ cọc không đáng gì, thành phố không nhắm vào số tiền bỏ cọc này mà vấn đề là phát triển Thủ Thiêm như thế nào thời gian tới?.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Phượng, Giảng viên Trường Đại học Tài chính - Marketing, góp ý cần siết chặt vấn đề năng lực tài chính của đơn vị tham gia đấu giá. Trong đó, doanh nghiệp cần làm rõ nguồn vốn đang sở hữu, các dự án đang phát triển, kinh nghiệm đầu tư trong quá khứ...

Một trong những cách để quản lý năng lực tài chính, theo ông Nguyễn Trọng Hoài - Giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM, là doanh nghiệp cần ký quỹ dựa trên giá thị trường của tài sản đất đai, không phải theo giá khởi điểm. Ông đề xuất thêm mức phạt khi bỏ cọc có thể nâng lên 20-30% số tiền trúng đấu giá.

Theo đề xuất này, chẳng hạn với lô đất trúng đấu giá tại Thủ Thiêm là 24.500 tỷ của Công ty Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh), trường hợp doanh nghiệp bỏ cọc phải chịu mức phạt lên đến 4.900- 7.350 tỷ đồng thay vì chỉ 588,4 tỷ đồng.

Nêu giải pháp lâu dài hơn, bà Trần Thị Việt Hòa - Giảng viên Khoa Quản lý đất đai và bất động sản, Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM cho biết, cần rút ra bài học về định giá đất. Theo bà Hòa, giá đất được quyết định trong cuộc đấu giá không phải là giá thị trường. Giá thị trường phải do chính thị trường quyết định, không thể chỉ mỗi hai phía là người đấu giá và người trúng đấu giá.

Nhưng thực tế thời gian qua, mức giá xác định trong buổi đấu giá lại có sức lan tỏa rất lớn và tác động mạnh đến mức "lôi kéo" giá đất của thị trường.

Theo chuyên gia quản lý đất đai, nguyên nhân trước hết do thị trường bất động sản hiện có nhiều mức giá. Mỗi mức giá gắn với một mục đích cụ thể của từng đối tượng tham gia vào giao dịch mua bán.

Ví dụ, một miếng đất có giá thị trường 2 tỷ đồng, nhưng nhà đầu tư A lại trả lên 4 tỷ đồng. Sở dĩ người này đưa ra giá cao hơn vì họ có miếng đất ngay bên cạnh. Một khi miếng đất họ vừa mua có được mức giá mới, miếng đất kế bên ắt hẳn bán "được giá" hơn, tức gia tăng thêm hiệu quả sử dụng đất.

Cũng theo chuyên gia, cơ quan quản lý cần đưa ra một mặt bằng giá đất và thu thuế theo mặt bằng đó. Nếu giao dịch mua bán vượt mức trên, người bán vẫn không phải chịu thêm bất kỳ đồng thuế nào. Nhiệm vụ của người dân là phải khai trung thực giá trị mua bán đất và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có yếu tố gian lận. Như vậy, người dân mới mạnh dạng kê khai rõ giá trị giao dịch và giúp thị trường đất đai minh bạch về giá cả.

Trước đó, ngày 6/1/2022, Cục Thuế TP. HCM đã ra 8 thông báo đề nghị 4 doanh nghiệp trúng đấu giá nộp phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất đợt 1 lần lượt 4 lô đất tại Thủ Thiêm. Thời hạn nộp tiền là 30 ngày, tính từ ngày 7/1/2022. Số tiền còn lại phải nộp trong vòng 90 ngày.

Cụ thể, Cục Thuế TP. HCM yêu cầu Công ty Cổ phần Dream Republic, doanh nghiệp trúng đấu giá lô đất 3 - 5 diện tích 6.446 m2, phải nộp 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng lệ phí trước bạ với diện tích đất chức năng thương mại dịch vụ.

Công ty Cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất 3 - 8 diện tích 8.568 m2 phải nộp 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất và được miễn lệ phí trước bạ.

Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3 - 9 diện tích 5.000 m2 phải nộp 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng lệ phí trước bạ cho phần diện tích triển khai chức năng thương mại dịch vụ.

Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất 3 - 12 diện tích 10.059 m2 phải nộp 24.500 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng lệ phí trước bạ đối với diện tích sử dụng chức năng thương mại dịch vụ.