Cân nhắc các chỉ tiêu kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025
Thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước ngày 4/11/2020, các đại biểu Quốc hội ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 và cả giai đoạn từ 2016 đến nay và đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
"Niềm tin của người dân" - Thành quả lớn nhất mà Chính phủ đạt được
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 và cả giai đoạn từ 2016 đến nay.
Theo các đại biểu, mặc dù năm 2020 là năm gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và thiên tai biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, thiệt hại nhiều tài sản và tính mạng của nhân dân nhưng kinh tế - xã hội vẫn đạt được nhiều kết quả và có nhiều điểm sáng được ghi nhận.
Trong đó, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trên 2% trong khi hầu hết các nước trong khu vực và thế giới đều có tăng trưởng âm. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4% đạt mục tiêu đề ra. Khu vực nông lâm thủy sản tiếp tục tăng trưởng cao và cao hơn năm 2019, là trụ đỡ của nền kinh tế trong thời điểm khó khăn; Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục được giảm và đạt mục tiêu là nhờ có chính sách hỗ trợ, chính sách an sinh xã hội được ban hành kịp thời...
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) khẳng định, năm 2020, Chính phủ đã ghi được rất nhiều điểm tốt trong lòng người dân cả nước. Đó là điểm tốt của sự nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành hoạt động; đồng hành, chia sẻ cứu trợ người dân trong hoạt động thiên tai. Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy sức dân, sức mạnh nội tại, khả năng chống chịu, đồng sức đồng lòng trước những tác động tiêu cực. "Thành quả lớn nhất mà Chính phủ đã đạt được là niềm tin của người dân."- Đại biểu nhấn mạnh.
Cùng nhận định trên, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP. Đà Nẵng) tán thành các giải pháp của Chính phủ phục hồi nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Đại biểu đề nghị Chính phủ có đánh giá kỹ hơn hiệu quả của gói hỗ trợ 62.000 tỷ, tiếp tục có những gói hỗ trợ để khắc phục hậu quả của đợt bão lũ tại miền Trung vừa qua. Đồng thời, phân tích kỹ hơn những khó khăn của thị trường lao động, người lao động, có chính sách hỗ trợ người lao động...
Đảm bảo tính khả thi của các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025
Trên cơ sở đánh giá tình hình năm 2020, các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị xem xét lại một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Theo đại biểu, chỉ tiêu tăng trưởng GDP dự kiến 6% là cao khi tình hình dịch bệnh khó lường, thiên tai biến đổi khí hậu đang xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề ở hầu hết các tỉnh; chỉ tiêu về quy mô GDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 3.700 USD là quá cao vì năm 2020 bình quân mới đạt 2.750 USD. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc thêm về chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỷ lệ che phủ rừng...
Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị tiếp tục tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, cứu trợ người dân vùng bị thiệt hại bão lũ, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhà nước cần thiết phải đầu tư mua sắm phương tiện, máy móc, trang thiết bị dự trữ quốc gia để đáp ứng nhu cầu ứng cứu khẩn cấp khi xảy ra trong mọi tình huống.
Cùng băn khoăn trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động tiêu cực trong năm 2021 và những năm tiếp theo, bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ như vừa qua ở một số tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến kinh tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có các kịch bản, phương án, giải pháp cụ thể để giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 trong điều kiện bình thường mới.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối của nền kinh tế. Đối với việc khắc phục bão lũ, sạt lở ở miền Trung, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng ngoài việc bổ sung ngân sách, tập trung khắc phục hậu quả, cần phân tích, đánh giá về nguyên nhân, có chiến lược, giải pháp tổng thể căn cơ, lâu dài trong quy hoạch lại dân cư, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực đảm bảo để phòng tránh thiên tai, bão lũ, chống sạt lở.
Theo đại biểu Phạm Thị Thu Trang (tỉnh Quảng Ngãi), trong quá trình phát triển, các giải pháp giảm thiểu thiệt hại của thiên tai là hết sức quan trọng. Đại biểu kiến nghị tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai; điều tra, đánh giá và công bố các nguyên nhân gây ra thiên tai như vừa qua, đồng thời sử dụng các phân tích này trong quá trình hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai trong các kế hoạch phát triển...