Cân nhắc giảm lãi suất khi lạm phát còn nguy cơ quay lại

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, lạm phát vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ quay lại nên phải cân nhắc, soi xét các tín hiệu thị trường để điều hành lãi suất cho vay.

 Cân nhắc giảm lãi suất khi lạm phát còn nguy cơ quay lại
Lạm phát vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ quay lại nên phải cân nhắc, soi xét các tín hiệu thị trường để điều hành lãi suất cho vay. Nguồn: internet

Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa có buổi giải trình trước đại biểu Quốc hội về khả năng giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Tại buổi giải trình, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đặt câu hỏi, liệu NHNN có tự tin vào khả năng kiểm soát lạm phát hay không? Dự báo lạm phát hiện khoảng 4% trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức 7-8%, vậy kiềm chế lạm phát thế nào để có lãi suất thấp cho doanh nghiệp vay?”.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, năm nay lạm phát có thể được kiểm soát dưới 5%. Năm 2015, mặc dù Chính phủ đặt tăng trưởng 6,2% nhưng đưa ra mức tăng lạm phát lên tới 7% chứng tỏ Chính phủ đã nhìn thấy nguy cơ lạm phát tăng trở lại.

“Cá nhân chúng tôi mong lạm phát kiềm chế ở 6% và tăng trưởng kinh tế ở 6- 6,2%”, ông Bình bày tỏ.

Theo ông Bình, vì lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại nên việc giảm lãi suất, ở đây là lãi suất định hướng của NHNN (hiện chỉ còn mức lãi suất trần 6 tháng đang là 6%) xuống khoảng 5% cho phù hợp với diễn biến lạm phát năm nay thì kỳ vọng lạm phát của ta còn cao hơn mức lạm phát dự báo (khoảng 5%). “Do đó, nếu giảm lãi suất cho vay định hướng của NHNN thì chính sách không ổn định, tạo sự chấp chới, mất niềm tin ở nhân dân”, Thống đốc bày tỏ.

Đấy là lãi suất định hướng của NHNN, theo Thống đốc Bình thì vẫn có lãi suất cho vay theo thị trường và tăng hay giảm lãi suất cho vay thì do thị trường điều chỉnh.

“Áp lực lạm phát có nhưng sẽ triệt tiêu bằng công cụ khác của NHNN- là cách thức điều hành đảm bảo tổng phương tiện thanh toán tăng, tạo điều kiện tăng thanh khoản, hạ lãi suất nhưng không tăng lạm phát”, ông Bình nói dựa trên kinh nghiệm điều hành trước đây của NHNN. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán năm 2007, NHNN mua 7 tỷ USD thì lạm phát năm 2008 là 23%. Trong 3 năm qua, NHNN mua trên 30 tỷ USD mà lạm phát giữ ổn định, thậm chí còn thấp hơn do kỹ năng điều hành chính sách, lưu thông trong nền kinh tế một lượng tiền vừa đủ.

Ngoài ra, Thống đốc cũng phân tích việc tỷ lệ huy động vốn xấp xỉ 10%, trong khi tăng trưởng tín dụng đang là 7%, như vậy có khoản chênh 2%. Đến giờ này thì tổng dư nợ trong nền kinh tế so với tổng vốn huy động trong hệ thống ngân hàng đạt tỷ lệ 89,7% (thấp hơn so với thời điểm năm 2011 tỷ lệ này là 126%- tức là sử dụng vốn nhiều hơn so với số huy động đã dẫn đến lạm phát cao).

Thống đốc cho rằng tỷ lệ này ở các ngân hàng lớn trên thế giới chỉ ở mức 70%, còn với các ngân hàng lành mạnh ở mức 40- 60%. Phần dư tiền còn lại, ngân hàng chuyển sang hoạt động trên thị trường chứng khoán, do vậy thị trường chứng khoán mới hoạt động được, tạo ra cân đối giữa thị trường vốn và thị trường ngân hàng.

Hiện nay, ta đang đi đúng theo hướng này, thị trường chứng khoán cũng đã có khởi sắc tuy không nhiều, tăng từ trên 300 điểm tới nay là 600 điểm.

Tuy nhiên, Thống đốc ghi nhận ý kiến của đại biểu và ngành ngân hàng sẽ theo dõi sát diễn biến của lạm phát và thị trường để có thể điều chỉnh giảm lãi suất cho vay khi phù hợp.