Cân nhắc kỹ lưỡng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 26/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung còn nhiều ý kiến tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.
Điều chỉnh cách tiếp cận nhà ở xã hội rộng mở hơn
Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (khoản 4, Điều 80), Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại Báo cáo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án như sau:
Phương án 1: Tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê, qua đó vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.
Phương án 2: Chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật.
Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1.
Đánh giá kỹ lưỡng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội
Nêu quan điểm về vấn đề Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng, đây là nội dung mới, trong quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề cần làm rõ, Chính phủ chưa đánh giá tổng thể việc thực hiện các quy định sẵn có, do vậy, cần có đánh giá tổng thể kỹ lưỡng để xem vấn đề này đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm chưa, qua đó đưa vào quy định một cách hợp lý.
Đại biểu cũng cho rằng, việc giao cơ quan nhà nước, hay một tổ chức chính trị, xã hội làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua chưa phù hợp với yêu cầu tách biệt giữa chức năng của cơ quan nhà nước, chức năng của tổ chức chính trị - xã hội và chức năng sản xuất, kinh doanh.
Từ thực tế này, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần cân nhắc kỹ, chưa đưa nội dung này vào trong Luật, mà cần thực hiện theo các quyết định hiện hành, tổng hợp thực tiễn để luật hóa những nội dung đã “chín”, đã rõ.
Ở góc nhìn khác, góp ý về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị, nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư.
Bởi vì, khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, thì nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều đối tượng khác thuộc Điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng “công nhân, người lao động”.
Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, chỉ nên quy định “các dự án nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”.
Bên cạnh đó, quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.
Tuy nhiên, phát biểu tranh luận về ý kiến các đại biểu đồng tình chọn Phương án 1 là tổ chức công đoàn là chủ đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, lý giải này là chưa thỏa đáng, vì công đoàn là đại diện tiếng nói cho người lao động.
Đồng thời, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi nhà ở có vấn đề thì ai là người đại diện cho người lao động nói lên tiếng nói đó? Khi thiếu nhà ở thì công đoàn cũng phải chịu trách nhiệm.
“Đồng tình tổ chức công đoàn là chủ đầu tư nhà ở cho người lao động, tuy nhiên đề nghị đây chỉ là những dự án mẫu để làm điển hình và để công đoàn làm cơ sở có tiếng nói với các cơ quan khác”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.