Cân nhắc với nới bội chi

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Nhiều chuyên gia cảnh báo, với những khó khăn của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế hiện nay, nếu không có sự đột phá về chính sách và nỗ lực của các DN, sự suy giảm nguồn thu sẽ gây hệ lụy khá nhiều tới cân đối ngân sách năm sau và thậm chí cả năm sau nữa, trong khi nhiệm vụ chi vẫn phải tăng để tạo nguồn vốn cho đầu tư phục hồi nền kinh tế.

Cân nhắc với nới bội chi
Dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước phải ngừng do thiếu vốn. Nguồn: internet

Áp lực ngắn hạn

“Năm 2013 lại xuất hiện vấn đề có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô là sự thâm hụt ngân sách do nguồn thu có khả năng không đạt dự toán”, theo TS.Trần Du Lịch – thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ông nói rằng “Sự thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng nhưng chi tiêu công không thể giảm, đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong 2 năm 2014 và 2015 mà tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội năm nay phải đặt lên bàn nghị sự”.

Tình hình thu ngân sách và cân đối ngân sách cũng là một vấn đề quan trọng được đưa ra trong Phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ vừa qua.

TS.Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, trước đây tính toán cân đối ngân sách trên cơ sở dự kiến tăng trưởng GDP 6,5%, nhưng hiện tăng trưởng không được tới 6%, các DN cũng không duy trì được doanh thu như trước nên thu ngân sách sẽ khó, trong khi chi ngân sách vẫn chưa cải thiện được. Ngoài cắt giảm đầu tư công, còn những khoản khác vẫn phải chi đều.

Đề nghị nới trần bội chi của Chính phủ và tình hình căng thẳng của cân đối ngân sách cũng đã được bàn luận sôi nổi tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu và phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Và mới đây, trước thông tin Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho nâng trần bội chi ngân sách năm 2014 lên 5,3% GDP để có thêm nguồn chi cho đầu tư phát triển, TS.Lê Đăng Doanh cho rằng, đề xuất này của Chính phủ thể hiện tình hình ngân sách đang rất căng thẳng.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, với những khó khăn của DN và nền kinh tế hiện nay, nếu không có sự đột phá về chính sách và nỗ lực của các DN, sự suy giảm nguồn thu sẽ gây hệ lụy khá nhiều tới cân đối ngân sách năm sau và thậm chí cả năm sau nữa, trong khi nhiệm vụ chi vẫn phải tăng để tạo nguồn vốn cho đầu tư phục hồi nền kinh tế.

Thách thức dài hạn

Thách thức trong trung hạn là chính sách tài khóa đứng trước 4 áp lực: vừa phải từng bước giảm dần tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước (NSNN) so với GDP; vừa phải đáp ứng nhu cầu tăng chi để thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng, nhưng phải đảm bảo tính bền vững của NSNN và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Nhiệm vụ là vậy, nhưng thu ngân sách đã cho thấy những bất ổn ngay từ cơ cấu.

Nhìn lại cơ cấu thu ngân sách những năm gần đây cho thấy, 25% thu ngân sách là từ các khoản thu không thường xuyên như là dầu thô, giao quyền sử dụng đất, bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước – những khoản thu này phụ thuộc vào biến động giá trên thị trường. Hơn 60% thu ngân sách còn lại là thu từ các sắc thuế như thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu và thuế thu nhập cá nhân – những khoản thu này phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh. Trong khi thuế xuất nhập khẩu luôn đóng góp 20% vào thu ngân sách thì lại đang được dự báo sẽ giảm mạnh bởi 2 lý do: xuất khẩu khó tăng thêm về giá trị và khi sản xuất trong nước còn khó khăn thì thu thuế nguyên, vật liệu nhập khẩu cũng thấp.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện cắt giảm các sắc thuế theo cam kết khi gia nhập WTO cũng làm giảm đáng kể nguồn thu này. Cùng với đó, thuế thu nhập cá nhân là khoản thu mà năm trước đây được kỳ vọng trong dài hạn sẽ bù đắp cho khoản thu bị sụt giảm kia nhưng với tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn như hiện nay, thì xem ra, kỳ vọng này vẫn chỉ là... kỳ vọng. Thêm vào đó, việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế thu nhập DN, Thuế Giá trị gia tăng cũng sẽ làm giảm thu NSNN trong một số năm đầu thực hiện.

Trong bối cảnh cơ cấu và cơ chế vận hành nền kinh tế không có gì thay đổi, vốn đầu tư vẫn là yếu tố quyết định tăng trưởng trong khi quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu kinh tế chưa có nhiều chuyển biến thì các năm 2014 và 2015 vẫn phải đảm bảo tốc độ tăng nhu cầu chi ngân sách cho đầu tư phát triển.

Từ nỗi lo cân đối thu chi ngân sách, khi bàn về nới bội chi không thể không nói đến vấn đề nợ công, cho dù hiện nay quy mô nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia đều nằm trong giới hạn quy định, vẫn đảm bảo an toàn và an ninh tài chính quốc gia. Để bù đắp cho sự thiếu hụt giữa thu – chi ngân sách, dường như phía ý kiến đồng tình nới trần bội chi và tăng phát hành trái phiếu “đã quá bán”.

Cho dù đã xác định rõ nới bội chi để đầu tư cho phát triển, nhưng thực trạng kỷ luật tài khóa lỏng lẻo, vấn đề công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình chưa rõ ràng đã khiến ngay cả những người ủng hộ phương án tình thế nới bội chi cũng phải nhấn mạnh thêm “việc thực hiện kỷ luật tài khóa”. Bởi, nếu chấp nhận bội chi tăng lên mà vẫn tiếp tục đầu tư lãng phí, kém hiệu quả thì nguy cơ mất an toàn an ninh tài chính sẽ bị đẩy lên cao là rủi ro nhãn tiền.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiến độ thu ngân sách bị ảnh hưởng lớn do hoạt động sản xuất kinh doanh của DN giảm sút cùng với việc thực hiện các chính sách miễn, giãn, giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng… Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu một số mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao cũng giảm mạnh nên thu nội địa và thu cân đối từ xuất nhập khẩu thấp hơn dự toán cũng làm giảm thu ngân sách.

Dự báo tổng thu ngân sách cả năm chỉ khoảng 795.000 tỷ đồng, giảm 21.000 tỷ đồng so với dự toán. Trong khi đó, chi ngân sách vẫn phải đảm bảo các nhiệm vụ chi phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội và quốc phòng – an ninh… Tổng chi ngân sách Nhà nước ước năm 2013 sẽ hơn 986.000 tỷ đồng, tăng 0,8% so với dự toán và tăng 8,9% so với năm 2012.