Cần nỗ lực lớn mới đạt tăng trưởng 5,8%
(Tài chính) Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (Ủy ban GSTCQG), năm 2013 là năm đầu tiên kể từ 2009 ghi nhận sự suy giảm rõ nét về quy mô của khu vực doanh nghiệp trên cả ba phương diện là tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và doanh thu.
Tăng trưởng tích cực hơn
Trong bản báo cáo vĩ mô tháng 1/2014 công bố ngày 17/2, Ủy ban GSTCQG đã nhận định: So với cùng kì 2012, trong 9 tháng đầu năm 2013 tổng tài sản bình quân của doanh nghiệp giảm 5,2%, vốn chủ sở hữu bình quân giảm 3,97%; doanh thu bình quân chỉ tăng 3,11% so với cùng kì 2012.
“Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn” là nhận xét của cơ quan này.
Tuy vậy, Ủy ban GSTCQG cũng đánh giá rằng: Tăng trưởng trong năm 2014 sẽ tích cực hơn so với 2013 nhờ cải thiện về tổng cầu. Tiêu dùng tư nhân dự kiến sẽ tích cực hơn so với năm 2013.
Thực tế trong tháng 1/2014, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) đã tăng 5,8% so với cùng kì 2013, cao hơn mức tăng của cả năm 2013 (5,6%).
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội có điều kiện thuận lợi hơn so với năm 2013 để đạt mức 30% GDP. Đầu tư tư nhân trong nước cải thiện hơn nhờ những biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh sẽ phát huy tác dụng trong năm 2014, và những biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu đã giúp hệ thống tài chính nâng cao khả năng cấp tín dụng.
Trong khi đó, đầu tư nước ngoài gia tăng do triển vọng kinh tế thế giới tốt hơn cũng như việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến được kí kết trong năm 2015.
“Như vậy, tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 dự kiến sẽ tích cực hơn so với năm 2013 nhờ cải thiện về tổng cầu cũng như các điều kiện thuận lợi của môi trường kinh tế thế giới.” - Ủy ban GSTCQG dự báo.
Tuy nhiên, với mục tiêu tổng quát trong năm 2014 là ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tiền tệ - tài khóa sẽ tiếp tục được điều hành thận trọng. Thêm vào đó doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn, nợ xấu vẫn còn ở mức cao. Cho nên Ủy ban GSTCQG cho rằng: Để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% sẽ cần cố gắng, nỗ lực lớn.
Sức ép lạm phát cao hơn
Cơ quan GSTCQG cho rằng: Mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2014 được thuận lợi nhờ yếu tố lạm phát tâm lý đang ổn định, xu hướng giảm giá hàng hóa thế giới và điều hành chính sách vẫn tiếp tục quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, so với năm 2013, sức ép lạm phát có thể cao hơn do tăng tổng cầu cũng như việc tăng phát hành trái phiếu có thể gián tiếp ảnh hưởng đến lạm phát.
Theo ước tính của Ủy ban GSTCQG, yếu tố cầu kéo làm lạm phát tăng thêm khoảng 0,5 điểm % so với 2013. Trong khi đó, nhu cầu điều chỉnh giá nhóm hàng hóa cơ bản và dịch vụ công do Nhà nước quản lý vẫn còn khá lớn và giá lương thực, thực phẩm được dự báo sẽ tăng cao hơn năm 2013 do nguồn cung hạn chế (nhất là đối với mặt hàng gạo và thịt lợn).
Ủy ban GSTCQG ước tính, nếu giá lương thực thực phẩm và giá điện đều tăng đến 10% thì sẽ khiến lạm phát tăng thêm khoảng 1,2 điểm phần trăm so với 2013.