Cần tăng giá trị xuất khẩu từ kinh tế tư nhân
Tỷ trọng xuất khẩu đang nghiêng về phía doanh nghiệp nội địa. PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, có nhiều việc phải làm để Việt Nam có thể tăng cường giá trị hàng hóa xuất khẩu từ khu vực kinh tế tư nhân.
Phóng viên: Ông bình luận thế nào về mục tiêu xuất khẩu năm 2020, với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8% so với năm 2019 và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 2%?
PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh: Đây là một chỉ số khó khăn, bởi vì nước ta phải đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10% mới có thể đạt được chỉ tiêu này. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Việt Nam phải cùng lúc đáp ứng được tăng trưởng xuất khẩu đồng thời đảm bảo chất lượng và hiệu quả đem lại cho nền kinh tế lớn hơn.
Ông nhận xét thế nào về phần đóng góp của khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019?
Những năm trước đây, xuất khẩu của khối DN FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối DN trong nước, nhưng thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối DN trong nước đã cao hơn khối DN FDI. Trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2019, khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng 17,7%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 4,2%. Đây là nỗ lực rất lớn của các DN trong nước trong bối cảnh Việt Nam vẫn là quốc gia chậm phát triển, cố gắng thu hút nguồn vốn FDI để đầu tư phát triển sản xuất trong nước.
Việt Nam có thể tăng cường giá trị hàng xuất khẩu từ nội lực của nền kinh tế bằng cách nào?
Việt Nam không cách nào khác ngoài việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra các mặt hàng có giá trị thuần Việt xuất khẩu ra thị trường thế giới. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân đã có bước tăng trưởng rất cao so với khu vực khác, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân chiếm tới 46% tổng đầu tư xã hội, lớn hơn cả khu vực nhà nước cũng như khu vực FDI.
Đây là nền tảng để kinh tế tư nhân trở thành động lực mới trong phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030. Do đó, ngay trong năm 2020 nước ta phải có những động thái tốt hơn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các DN tư nhân phát triển bằng các điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, với chi phí thấp hơn.
Điểm đáng lưu ý trong hoạt động ngoại thương năm 2020 là gì trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục khó khăn?
Tăng trưởng năm 2019 đạt 7% với mức lạm phát thấp, chỉ 2,79%, một điểm sáng và triển vọng để có thể đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn của một quốc gia có nền kinh tế có độ mở lớn, lấy xuất khẩu làm trụ cột phát triển kinh tế như Việt Nam.
Nhà nước ngoài việc đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh thế giới và sản xuất trong nước, cần chú ý hơn đến các hoạt động nhằm cân bằng cán cân thương mại với các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU, chú trọng công tác xử lý vấn đề hàng đội lốt xuất xứ Việt Nam để đưa hàng hóa vào các thị trường này.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực DN trong nước cần hướng tới hiệu quả và giá trị hàng hóa xuất khẩu. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu truyền thống đưa ra những cảnh báo về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Cảm ơn ông.