Tư nhân hóa việc cung cấp dịch vụ công nhìn từ Mỹ và Trung Quốc
Chuyển đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần (CTCP) là chủ trương của Đảng, Chính phủ Việt Nam nhằm tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Tham khảo chính sách tư nhân hóa việc cung cấp dịch vụ công từ Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách chuyển ĐVSNCL thành CTCP hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tư nhân hóa việc cung cấp dịch vụ công tại Mỹ và Trung Quốc
Xu hướng tư nhân hóa việc cung ứng dịch vụ công đã và đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới nhằm tạo điều kiện để công dân được cung cấp dịch vụ với chất lượng cao hơn, chi phí thấp hơn với nhiều lựa chọn hơn, đồng thời giúp chính phủ tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Trao đổi về nội dung này tại Hội thảo "Chuyển ĐVSNCL thành CTCP: Hiện trạng và giải pháp chính sách" do Bộ Tài chính tổ chức ngày 11/12/2019, bà Nguyễn Thị Lê Thu - Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho biết, tại Mỹ, việc tư nhân hóa việc cung cấp các dịch vụ công đã được thực hiện từ rất lâu. Năm 1968, Quỹ Thế chấp Nhà ở Quốc gia Liên bang – một tổ chức công được thành lập năm 1936 để cung cấp tài chính cho các khoản thế chấp nhà ở đã được chuyển đổi thành một tập đoàn tư nhân. Các lĩnh vực khác cũng được tư nhân hóa như xây dựng và vận hành cầu, đường ở nhiều bang; dịch vụ hành chính công; thu gom rác thải, sửa chữa đường sá, xử lý nước thải; giáo dục, an sinh xã hội ở một số bang…
Việc tư nhân hóa các dịch vụ công ở Mỹ được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm chi phí cung cấp dịch vụ hay tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ. Phải kể đến như việc tư nhân hóa dịch vụ thu gom rác thải, sửa chữa đường sá, xử lý nước thải ở Indianapolis giúp tiết kiệm 400 triệu USD; Philadenphia tiết kiệm được 275 triệu USD nhờ tư nhân hóa 49 dịch vụ của thành phố; Tư nhân hóa dịch vụ cấp cứu ở quận Wexford, Michigan đã giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm các dịch vụ hành chính và giảm chi phí, tiết kiệm cho quận này trên 300.000 USD chỉ trong năm đầu tiên...
Ở Trung Quốc, giai đoạn 2002-2007, với chủ trương phát triển một xã hội hài hòa, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển và xây dựng một chính phủ theo hướng dịch vụ, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống dịch vụ công mới với mục tiêu cân bằng hóa các dịch vụ công cơ bản. Một đặc điểm nữa của giai đoạn này là việc đẩy mạnh đa dạng hóa các chủ thể và các phương thức cung cấp dịch vụ công, bao gồm của việc đẩy mạnh thị trường hóa và sự tham gia của các tổ chức phi lợi nhuận.
Tuy nhiên, ở giai đoạn tiếp đó, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sự tham gia của khu vực tư nhân vào thị trường cung cấp dịch vụ công giảm mạnh. Dù việc thị trường hóa và đa dạng hóa việc cung cấp dịch vụ công vẫn đang được thực hiện, nhưng chính quyền cả ở cấp trung ương và địa phương đang có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào việc cung cấp dịch vụ công.
Trong lĩnh vực giáo dục, năm 1993, Trung Quốc đã đưa ra Chương trình Cải cách và Phát triển Giáo dục Trung Quốc, trong đó khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức xã hội và mọi công dân thành lập các trường học theo quy định của pháp luật, đồng thời ban hành các quy định hướng dẫn và tăng cường quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Chính sách chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP với Việt Nam
Từ kinh nghiệm tư nhân hóa việc cung cấp dịch vụ công của Mỹ và Trung Quốc có thể rút ra nhiều bài học trong chuyển đổi các ĐVSNCL thành CTCP tại Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Lê Thu, việc chuyển đổi thành CTCP nên thực hiện đối với các ĐVSNCL cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư tư nhân, đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân và người dân sẵn sàng bỏ tiền mua, mang lại lợi nhuận do các công ty hoạt động vì mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận.
Đồng thời, các sản phẩm, dịch vụ mà các ĐVSNCL cung cấp không phải là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần đảm bảo quyền tiếp cận của người dân. Các ĐVSNCL này là những đơn vị hoạt động ở các địa bàn có điều kiện kinh tế phát triển.
Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý để chuyển đổi các ĐVSNCL thành CTCP, trong đó quy định rõ cơ chế tài chính, quyền sở hữu, việc xử lý tài sản, quyền sử dụng đất, cơ chế quản lý, giám sát của Nhà nước, đặc biệt là chính sách đối với người lao động sau khi chuyển đổi nhằm ổn định cuộc sống của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các ĐVSNCL và người lao động trong các ĐVSNCL chuyển đổi thành CTCP hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhà nước không cắt ngân sách cho việc cung cấp các dịch vụ công mà chuyển từ cơ chế cấp ngân sách để cung cấp dịch vụ công cho các ĐVSNCL sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng, mua dịch vụ công từ các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau, trong đó có các ĐVSNCL đã được chuyển đổi thành CTCP.
Để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ công khi chuyển đổi các ĐVSNCL thành CTCP, Nhà nước cần ban hành các tiêu chuẩn về dịch vụ cung cấp, giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn đó và có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm. Đối với một số dịch vụ công cơ bản, thiết yếu như giáo dục đại học, thu gom và xử lý rác thải, phương tiện công cộng…, sau khi chuyển thành CTCP, Nhà nước cần quản lý giá để đảm bảo quyền tiếp cận của người dân.
Bà Thu nhấn mạnh, việc chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP cần được thực hiện theo lộ trình và gắn với việc thực hiện cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL. Việc chuyển đổi cần được thực hiện trước hết đối với các ĐVSNCL đã tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên, các đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên, sau đó đối với các đơn vị khác theo lộ trình tự chủ đã được phê duyệt.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện Dự thảo Nghị định về chuyển ĐVSNCL thành CTCP thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo Nghị định đề xuất nhiều quy định mới mang tính thống nhất, phù hợp với pháp luật hiện hành, thông lệ quốc tế cũng như đặc thù, thực tiễn của khu vực sự nghiệp công lập khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp.