Cẩn trọng với rủi ro nợ xấu gia tăng
Nỗi lo gia tăng nợ xấu đang dần hiện hữu vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không bán được hàng, bị đứt gãy chuỗi sản xuất, giá trị, dẫn đến không trả nợ kịp thời, đầy đủ. Câu hỏi đặt ra hiện nay là phải xử lý nợ xấu ra sao để giảm nhẹ rủi ro không chỉ gây đau đầu cho các ngân hàng mà với cả các nhà điều hành, quản lý.
Trong báo cáo mới đây về kinh tế của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, dù các chính sách tái cơ cấu, gia hạn nợ và miễn giảm lãi suất của Việt Nam đang phát huy tác dụng, giúp cộng đồng DN có thêm nguồn lực duy trì và hồi phục sản xuất, kinh doanh, nhưng ảnh hưởng của đại dịch sẽ xuất hiện thêm những DN phá sản, dừng hoạt động, không có khả năng trả nợ.
Chính vì vậy, nợ xấu tăng lên và áp lực sẽ chuyển từ các DN sang phía ngân hàng.
Nguy cơ bùng phát nợ xấu
Thực tế, sau những đợt bùng phát dịch liên tiếp, nhiều lĩnh vực như bán lẻ và một số ngành chế biến, chế tạo,… bị ảnh hưởng nghiêm trọng. DN và người dân ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Tường - chủ một cửa hàng buôn bán điện lạnh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), đang có khoản vay cá nhân tại ngân hàng nhưng do ảnh hưởng dịch, hoạt động kinh doanh phải dừng lại theo quy định khiến khoản vay không thể trả nợ đúng hạn. Anh Tường đã làm đơn xin giãn nợ.
“Ngân hàng cũng trả lời là sẽ chấp thuận nhưng khoản vay trên sẽ phải chuyển nhóm nợ, và cũng vẫn có nguy cơ thành nợ xấu nếu sau thời gian cơ cấu mà không trả nợ đúng hạn. Còn không cơ cấu thì khoản vay lập tức bị chuyển thành nợ xấu. Nhưng tôi cũng thật sự không biết với diễn biến của dịch còn phức tạp thế này thì liệu hoạt động kinh doanh sắp tới của mình có còn trôi chảy để mà trả nợ đúng hạn và đầy đủ hay không” - anh Tường lo lắng.
Đây cũng không phải là nỗi lo của riêng cá nhân anh Tường. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn DN, có 32,4 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 12,8 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng, có 10 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
“Do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều DN không bán được hàng và bị đứt gãy chuỗi giá trị, đứt gãy hoạt động khiến không trả nợ kịp thời, đầy đủ. Và như vậy, câu chuyện phát sinh nợ xấu cũng là tất yếu” - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú thẳng thắn nhìn nhận.
Ngoài ra, đánh giá từ PGS., TS. Bùi Quang Tuấn - Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cũng cho thấy, nợ xấu của khu vực ngân hàng sẽ bộc lộ rõ hơn khi có tổng kết về hoạt động của các DN đã dừng hoạt động, phá sản và khi dự phòng rủi ro bắt đầu được áp dụng. Do vậy, cần phải cẩn trọng với xu hướng nợ xấu tăng nhanh.
Kiểm soát nợ xấu tiềm ẩn
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại (theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN) thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/1/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng. Công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng. “10 năm qua, chúng ta đã phải xử lý câu chuyện nợ xấu vô cùng vất vả mà phải có Nghị quyết số 42 của Quốc hội hỗ trợ mới đẩy nhanh được quá trình xử lý nợ xấu. Nếu không có dịch COVID-19, mục tiêu kiểm soát nợ xấu nội bảng dưới 3%, tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5% hoàn toàn có thể đạt được.
Nhưng vì đại dịch, tốc độ nợ xấu tăng lên khá nhanh. Đến thời điểm này, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 2%, còn nợ xấu tiềm ẩn dự kiến có thể lên đến 8% - đây là con số rất đáng quan tâm” - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ.
Từ đó, câu chuyện phải giải quyết vấn đề nợ xấu sau đại dịch như thế nào luôn được NHNN và các TCTD dự tính. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, câu chuyện đó cần được giải quyết hài hòa giữa việc mở rộng tín dụng, tạo điều kiện DN và người dân tiếp cận tín dụng, nhưng không được hạ chuẩn tín dụng - đây là điều kiện rất quan trọng để bảo đảm nợ xấu không phát sinh.
Để làm được như vậy, trước hết, các TCTD đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro cho tất cả các khoản nợ tái cơ cấu, được phân ra trong ba năm. Tiếp đến, là bảo đảm xử lý các khoản nợ xấu một cách tích cực. Hiện NHNN đang trình Chính phủ đánh giá tổng kết Nghị quyết số 42, đề nghị Quốc hội tiếp tục cho Nghị quyết được phép kéo dài và nâng thành luật hóa Nghị quyết số 42 để hỗ trợ về cơ chế xử lý nợ xấu.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng: việc cần làm lúc này là tiếp tục kiểm soát vốn tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro. Đồng thời, thúc đẩy xử lý nợ xấu khi kinh tế phục hồi và luật hóa xử lý nợ xấu khi Nghị quyết số 42 của Quốc hội hết hạn nhằm tiếp tục đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách triệt để.
Điều cần làm nữa, theo khuyến nghị đến từ các chuyên gia của World Bank, là sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài trong hệ thống ngân hàng vì điều này có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng bao trùm của hệ thống ngân hàng. Thêm vào đó, cũng cần có cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và đang gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn các ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II.
“Trong bối cảnh những đợt dịch gần đây, nhất là đợt bùng phát trên diện rộng bắt đầu từ tháng 5, đã khiến nhiều DN ở các thành phố lớn và một số khu công nghiệp phải đóng cửa phòng dịch. Do vậy, cơ quan phụ trách chính sách tiền tệ cần thận trọng với những rủi ro đang gia tăng về nợ xấu” - World Bank khuyến cáo.