Cần tuân thủ pháp luật thuế khi kinh doanh thương mại điện tử
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử cần tuân thủ pháp luật thuế để hướng tới phát triển kinh doanh một cách bền vững.
Phóng viên: Hiện nay, kinh doanh thương mại điện tử nổi lên với nhiều vấn đề nóng, nhất là liên quan đến quản lý thuế. Bà nhận định như thế nào về vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 - 150 tỷ đồng mỗi phiên. Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế chung của toàn xã hội.
Kinh doanh thương mại điện tử rõ ràng có những thế mạnh như: Tiết kiệm chi phí cho xã hội; thúc đẩy tăng doanh thu; có lợi cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và cả ngân sách nhà nước. Những thế mạnh này càng phát huy trong điều kiện chúng ta kiểm soát thật tốt và đảm bảo được chất lượng hàng hoá.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; các nghị quyết, chỉ thị để tạo điều kiện cho cơ quan thuế thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu từ các cơ quan chức năng như: các tổ chức tín dụng, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan hải quan. Khi có được những thông tin đó thì mới có thể nắm bắt được đầy đủ doanh thu cũng như thông tin liên quan đến mua bán, xuất nhập hàng hoá để quản lý thuế.
Trong Đề án 06 đã nêu rõ quan hệ kết nối giữa các bên. Trong đó quy định rõ Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cung cấp hệ thống tài khoản của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 13 triệu tài khoản của tổ chức và 130 triệu tài khoản của cá nhân. Và rõ ràng khi kinh doanh phải có tiền, trong những trường hợp gian lận về thuế thì cơ quan thuế có quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp bảng sao kê các hoạt động thu, chi để nắm được luồng tiền và thông qua đó truy thu được khoản tiền không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để đảm bảo tuân thủ kê khai đúng, tránh tình trạng “xoá dấu vết” giao dịch.
Về trách nhiệm của các sàn giao dịch điện tử, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công Thương… đã có kết nối để cung cấp thông tin của cá nhân, hộ kinh doanh trên các sàn.
Có thể thấy, Đề án 06 là biện pháp “cứu cánh”, tạo điều kiện cho cơ quan thuế thực hiện chức năng của mình. Dù tất cả các văn bản pháp quy đều quy định nhưng khi có những chỉ thị, đề án rõ ràng thì các ngành sẽ quan tâm hơn và cùng chung tay với Bộ Tài chính, ngành Thuế để làm cho quản lý thuế tốt hơn, giúp nguồn lực của Đất nước tốt hơn.
Phóng viên: Thực tế, dù đã có quy định pháp lý đầy đủ về việc tuân thủ nghĩa vụ thuế nhưng do thương mại điện tử là lĩnh vực còn mới nên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quản lý. Theo Bà, những rủi ro đó là gì và cơ quan thuế cần làm gì để quản lý hiệu quả?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Thời gian qua, để quản lý thuế thương mại điện tử, cơ quan thuế đã có nhiều nỗ lực và có nhiều tiến bộ đáng kể khiến số thu thuế từ lĩnh vực này tăng cao qua từng năm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc quản lý thuế thương mại điện tử vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tính thuân thủ của người nộp thuế vẫn chưa cao. Hơn nữa, có tình trạng nhiều người nộp thuế muốn tuân thủ nhưng lại chưa hiểu biết về pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều hình thức bán hàng online đang thu tiền trực tiếp qua các bên giao nhận khiến cơ quan thuế khó có thể quản lý được dòng tiền.
Chính vì vậy, công tác thông tin truyền thông để giúp nắm được chính sách, chế độ là rất quan trọng. Cơ quan thuế cũng cần phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để nắm được tất cả các thông tin liên quan đến đơn hàng, việc vận chuyển, giao nhận… để chống thất thu thuế.
Phóng viên: Đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử, Bà có khuyến nghị gì để họ có thể tuân thủ đúng quy định về thuế, giảm thiểu rủi ro trong quản lý thuế?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Tôi khuyến cáo rằng, dù kinh doanh tại lĩnh vực nào, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử thì trước hết phải chú ý đến chất lượng hàng hoá, sản phẩm; tiếp đó là thực hiện nghĩa vụ thuế. Cụ thể, đối với nhãn hàng phải kê khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thực tế chốt đơn hàng bán được. Đối với người livestream nộp thuế theo hai hình thức: nếu cá nhân đăng kí nộp thuế với hộ cá nhân kinh doanh thì nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (5% giá trị gia tăng, 2% thu nhập cá nhân); nếu cá nhân không đăng kí kinh doanh, coi như làm thuê cho nhãn hàng thì nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5% - 35%; nhãn hàng tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả cho cá nhân, nộp vào ngân sách nhà nước và cá nhân có trách nhiệm tự khai quyết toán thuế năm với cơ quan thuế.
Nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ.
Chúng ta cần tuân thủ chặt chẽ nghĩa vụ thuế, tránh trốn thuế vì việc này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, nhãn hàng, sàn thương mại điện tử và còn ảnh hưởng tới cả số thu ngân sách nhà nước. Cần chung tay để phát triển thương mại điện tử một cách bền vững, vừa đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và ngân sách nhà nước.
Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của Bà!