Cảng biển Mỹ chịu "tai ương"
Các cảng biển của Mỹ, nơi xử lý hàng trăm tỷ USD hàng hóa sẽ là nơi đầu tiên gặp khó khăn khi mà cuộc chiến tranh thương mại bắt đầu làm trì trệ nền kinh tế toàn cầu.
Vì vậy, khi Nhà Trắng đe dọa áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, các nhà quản lý cảng biển đang cố để không bị chìm trước viễn cảnh các chuyến hàng bị hủy. "Đây là sự biến động gây bất lợi cho việc làm ở cảng và bất lợi cho nền kinh tế bang và cả nước" - Mario Cordero, Giám đốc Điều hành cảng Long Beach, California, nhìn nhận.
Là cửa ngõ bận rộn nhất nước trong việc nhập khẩu hàng Trung Quốc, các cảng ở California đang ở trên tuyến đầu của cuộc thương chiến với Bắc Kinh. Năm ngoái, các cảng ở Nam California xử lý 173 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, bằng khoảng 1/3 toàn bộ hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Do đó, việc tăng thuế quan tác động đến 328 bến cảng - nơi mà năm ngoái đã đón nhận 505 tỷ USD hàng từ Trung Quốc, đó là chưa kể đến 130 tỷ hàng hóa Mỹ vận chuyển sang Trung Quốc qua các cảng này hàng năm, gây ra sự thâm hụt thương mại cho Mỹ 375 tỷ USD.
Thương chiến Mỹ - Trung còn tác động đến các công ty vận chuyển và những người làm việc ở đó. Ví dụ như các cảng ở Los Angeles và Long Beach ước tính sử dụng gần 1 triệu công nhân ở Nam California. Vì thế, bất kỳ sự suy giảm nào trong dòng chảy thương mại với Trung Quốc, công nhân các bến cảng có thể bị mất việc làm và giảm gần 320 tỷ USD tiền thuế.
Greg Daco, một nhà kinh tế học tại Oxford Economies ước tính, nếu Mỹ áp 10% thuế quan lên 400 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và Trung Quốc trả đũa bằng 25% thuế quan lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Mỹ, nền kinh tế Mỹ sẽ mất khoảng 7/10 tăng trưởng GDP, kinh tế toàn cầu sẽ giảm nửa điểm phần trăm. Vào năm 2020, sự giảm GDP tích lũy sẽ lên đến 1%, loại bỏ 700.000 việc làm ở Mỹ và nhiều hơn nữa ở Trung Quốc.