Xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam
Việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm gạo đã góp phần giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Nhằm giải quyết tình trạng xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn liên tiếp trong những năm gần đây, Bộ Công Thương vừa xây dựng Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030 với mục tiêu ổn định các thị trường, đảm bảo kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức 3 tỷ USD/năm vào năm 2017; 3,5 tỷ USD vào năm 2020; lượng gạo xuất khẩu hàng năm từ 6-7 triệu tấn; góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân.
TS. Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hàng năm nước ta sản xuất được khoảng 44 triệu tấn thóc, trong đó có khoảng 15 triệu tấn thóc, tương đương 7,5 triệu tấn gạo là để xuất khẩu.
Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, nhưng giá trị xuất khẩu trên đơn vị sản phẩm lại thấp do chất lượng gạo Việt Nam còn thấp, độ lẫn giống còn cao, chưa có thương hiệu riêng mà phải mang một nhãn hàng khác của quốc gia nhập khẩu.
Một số doanh nghiệp cũng đã bước đầu xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường như: Gạo Ngọc Đồng (của doanh nghiệp Gentraco), Hương Lúa (ITA Rice), Tứ Quý (ADC), gạo hữu cơ Hoa Sữa (Công ty Viễn Phú), gạo Bảy Núi (Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang), thương hiệu gạo thơm ST ở Sóc Trăng, gạo Nàng Thơm Chợ Đào, Tám Xoan Hải Hậu...
Và khi nói đến một thương hiệu gạo nào đó thì người tiêu dùng nghĩ ngay đến nước sản xuất như: Thái Lan, Ấn Độ mà không phải Việt Nam... Mặc dù, việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm gạo đã góp phần giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Như sản phẩm gạo hữu cơ của Công ty Viễn Phú có giá cao gấp 2-3 lần sản phẩm thông thường và mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Do vậy, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo là rất quan trọng. Ngày 21/5/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 706/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án triển khai thương hiệu gạo Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030".
Để giải quyết tình trạng xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn liên tiếp trong những năm gần đây, Bộ Công Thương vừa xây dựng Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030 và gửi đến các bộ, ngành liên quan lấy ý kiến góp ý.
Dự thảo nêu rõ, giai đoạn tới, tập trung sản xuất gạo chất lượng cao và những thị trường có giá trị gia tăng lớn.
Bộ Công Thương nhận định, mặc dù nửa đầu năm 2016, xuất khẩu gạo giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị nhưng tỷ lệ gạo chất lượng cao trong tổng lượng gạo xuất khẩu vẫn gia tăng mạnh.
Cụ thể, gạo thơm giống Jasmine đã tăng từ 22% trong năm ngoái lên 31%; gạo nếp tăng từ 6,58% lên 16% tổng lượng gạo xuất khẩu; các loại gạo đặc sản, gạo hữu cơ, gạo đồ... đã bước đầu thâm nhập được các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Hoa Kỳ, châu Âu...
Điều này cho thấy, chuyển đổi dần từ phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp sang gạo chất lượng cao là điều phải được gấp rút tính đến để hướng tới xuất khẩu bền vững.
Về thị trường, Bộ Công Thương chủ trương nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu gạo tại các thị trường có giá trị gia tăng cao và giảm dần tỷ trọng xuất khẩu gạo tại các thị trường có giá trị gia tăng và lợi nhuận thấp.
Cụ thể, bộ sẽ tiếp tục củng cố, giữ vững thị phần các loại gạo có chất lượng trung bình trở lên tại các thị trường tập trung truyền thống như: Philippines, Malaysia, Indonesia, Timo Leste (gạo trắng hạt dài, thơm hoặc không thơm); đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao sang các thị trường Singapore, Malaysia, Timo Leste, Brunei (gạo trắng chất lượng cao, kích cỡ đồng đều).
Với thị trường Trung Quốc, từng bước đưa gạo có chất lượng, thương hiệu và có giá cao hơn vào các kênh phân phối chính thức, trực tiếp và bền vững (gạo trắng, gạo thơm, dẻo cơm; gạo nếp, gạo làm bún, bánh).
Riêng khu vực thị trường châu Phi, Trung Đông, gạo chất lượng, chế biến sâu (gạo thơm, gạo đồ) được tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Ai Cập, Algeri, Maroc, Cộng hòa Nam Phi, Angola, Mozambique, Bờ Biển Ngà...
Tại các thị trường mới và khó tính như châu Âu, châu Mỹ, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao để tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký như FTA Việt Nam - EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…