Căng thẳng Biển Đỏ là thách thức mới của thủy sản Việt trong năm 2024


Căng thẳng Biển Đỏ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đây là thách thức mới của thủy sản Việt Nam trong năm 2024.

Tăng cước vận chuyển đường biển, doanh nghiệp xuất khẩu đối diện khó khăn kép (Ảnh minh họa)
Tăng cước vận chuyển đường biển, doanh nghiệp xuất khẩu đối diện khó khăn kép (Ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2023, xuất khẩu thủy sản dường như quay trở lại với quỹ đạo thông thường là tăng dần từ quý II, đạt cao nhất vào quý III là giai đoạn các đơn hàng tăng để phục vụ nhu cầu cuối năm, và quý IV thường thấp hơn quý III.

Điều đó cho thấy tín hiệu thị trường và tình hình kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đang dần trở lại bình thường.

Dự báo, xu hướng giá thấp của năm trước sẽ chấm dứt trong năm nay. Giá các loài thủy sản sẽ tăng trở lại từ quý II và có thể tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024.

Tuy nhiên, điều doanh nghiệp lo ngại nhất là xung đột ở Trung Đông có nguy cơ làm xáo trộn thương mại toàn cầu, trong đó có thủy sản. Bất ổn ở Biển Đỏ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Các hãng tàu định tuyến lại tuyến đường của họ, do đó, hành trình vận chuyển giữa châu Á, châu Âu và Bờ Đông Bắc Mỹ trở nên dài hơn. Giá cước vận tải tăng mạnh và bảo hiểm hàng hóa tăng.

Mới đây lại có tin tuyến vận chuyển qua kênh đào Panama cũng bị ảnh hưởng vì mực nước thấp, khiến lưu lượng vận tải container qua đây bị giảm.

Như vậy, thách thức mới và lớn của thương mại thủy sản toàn cầu năm nay là vận tải biển qua cả kênh đào Suez và Panama đều gặp khó. Hệ lụy có thể là hàng hóa bị ứ đọng, thiếu tàu container và container rỗng. Việc này sẽ chi phối chuỗi cung ứng và có nguy cơ làm cho tình trạng lạm phát toàn cầu nghiêm trọng hơn.

Trong thời gian qua, sự nỗ lực và linh hoạt của doanh nghiệp đã đưa ngành thủy sản vượt qua giai đoạn COVID-19 với những thách thức tương tự về logistic làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Có thể sẽ có những cú “bẻ lái” về thị trường xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu và biến thách thức thành cơ hội. Ví dụ, Trung Quốc có thể sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp hơn trong năm nay, vì vị trí địa lý gần, chi phí vận chuyển thấp, dễ kiểm soát hơn.

Quan trọng hơn là Trung Quốc chắc chắn bị giảm nguồn cung từ Ecuador do cả vấn đề an ninh bất ổn tại đất nước Nam Mỹ này và do cả vấn đề vận tải biển khó khăn, chi phí tăng… Do vậy, Trung Quốc sẽ phải bù đắp nguồn cung từ Việt Nam và các nước châu Á khác.

Hoặc một ví dụ khác về xu hướng sản phẩm xuất khẩu. Với những đặc thù dễ bảo quản, thời hạn lâu, giá hợp lý, thủy sản đóng hộp, đóng túi và hàng khô sẽ có nhiều nhu cầu hơn trong năm nay trong bối cảnh của chiến tranh, xung đột và lạm phát.

Năm 2024, vẫn còn những khó khăn thách thức từ năm trước và thêm thách thức mới là xung đột ở Trung Đông, nhưng với sự nỗ lực, nhạy bén và khả năng thích ứng của doanh nghiệp thủy sản, cùng với những tín hiệu hồi phục thị trường, dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 9,5 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023.

Theo Báo Công Thương