Phát triển thủy sản xanh không chỉ là xu thế, mà còn là tất yếu
Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, phát triển thủy sản xanh không chỉ là xu thế, mà còn là tất yếu nên đây cũng được xem là lựa chọn tốt nhất, để vừa đáp ứng tốt yêu cầu thị trường, vừa hòa nhập xu thế chung nhằm xác lập lợi thế cạnh tranh cho ngành tôm trong thời gian tới.
Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, sống xanh… được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Do đó, các doanh nghiệp ngành tôm nên xem việc chủ động sớm bắt nhịp theo xu hướng phát triển xanh là một trong những chiến lược sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo nền tảng cho việc đạt các chứng chỉ xanh, hay các tiêu chuẩn quốc tế, để từ đó thâm nhập sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu khó tính, như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… có giá bán cao và thuế suất ưu đãi.
Việc áp dụng mô hình sản xuất xanh còn giúp ngành tôm đáp ứng được các cam kết liên quan tới chính sách pháp luật về môi trường, cân bằng phát thải, năng lượng tái tạo, phúc lợi động vật… từ các hiệp định thương mại tự do mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết.
Không những vậy, sản xuất xanh còn tạo thuận lợi cho việc mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế, bởi sản xuất bền vững là một trong những tiêu chí quan trọng để họ lựa chọn đối tác.
Tại thị trường châu Âu, theo thỏa thuận xanh của EU về giảm khí thải, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, đòi hỏi sự tuần hoàn của sản phẩm; cấm đưa vào lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng; là vấn đề giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình nuôi trồng và chế biến, cùng với đó là các tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Đối với ngành hàng tôm, theo các doanh nghiệp, họ đã được phía đối tác đưa ra nhiều nội dung phải quan tâm, lưu ý và thực thi xoay quanh vấn đề kiểm soát, giảm thiểu phát thải; giải pháp trung hòa carbon… đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế, khi họ đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, nếu chỉ một mình doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đeo đuổi phát triển xanh thôi là chưa đủ, mà cần cả chuỗi giá trị xanh đồng bộ, bởi các mắt xích trong chuỗi giá trị có liên quan mật thiết nhau và ảnh hưởng nhau không nhỏ. Theo đó, từ các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi đến các cơ sở nuôi đều phải có tiêu chí cụ thể để thực hiện và thống nhất trong cả chuỗi.
Nếu đáp ứng được đòi hỏi này chắc chắn sẽ tăng sức cạnh tranh mạnh mẽ cho ngành thủy sản chúng ta. Cũng nói thêm, VCCI đã có bộ tiêu chí doanh nghiệp bền vững (CSI) từ khá lâu và ngay từ phiên bản đầu tiên được ban hành vào năm 2016, Bộ chỉ số CSI đã được Chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận và đánh giá cao. Đây được xem là nền tảng để các doanh nghiệp thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng có thể thực hiện trong chiến lược phát triển xanh trong khi chờ đợi bộ tiêu chí riêng của ngành.
Thời gian qua, các doanh nghiệp, trang trại và người nuôi đã áp dụng nhiều giải pháp, tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi tôm đã góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính, như: nuôi tuần hoàn nước, ứng dụng công nghệ vi sinh, tiết kiệm điện thông qua việc cải tiến hệ thống quạt tạo ôxy, quản lý tốt thức ăn để hạn chế tình trạng dư thừa làm phát sinh khí nhà kính, lắp đặt hầm biogas để xử lý chất thải, sử dụng máy ép phân tôm ủ làm phân bón…
Các giải pháp trên đều cho thấy, mức độ giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi tôm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Võ Nam Sơn (Trường Đại học Cần Thơ), lượng phát thải khí nhà kính mà nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ đo được ở khâu nuôi tôm, ngoại trừ mô hình tôm - rừng, tôm - lúa là tiệm cận mức Net - Zero, còn lại các mô hình khác đều ở mức khá cao.
Theo đánh giá của PGS.;TS. Võ Nam Sơn, các mô hình, giải pháp thử nghiệm nuôi tôm giảm phát thải khí nhà kính do các chương trình, dự án triển khai cho kết quả khả quan nên vấn đề còn lại là việc tích hợp đồng bộ các giải pháp này vào từng mô hình cụ thể để vừa đảm bảo tính hiệu quả về mặt kinh tế, vừa đảm bảo tiêu chí bền vững.
Còn theo ông Lực, trong khi chờ đợi các chuẩn mực cụ thể được ban hành, các doanh nghiệp cần sớm nhận thức và có tâm thế chuẩn bị sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận và đạt chuẩn doanh nghiệp xanh sau này. Mọi sự chuẩn bị cho lâu bền đều không thừa