Fed: Chiến sự Nga – Ukraine có thể tạo thêm áp lực đối với lạm phát và đè nặng lên hoạt động kinh tế
Tuyên bố trên được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra sau cuộc họp định kỳ tháng 3, kết thúc vào hôm 16/3.
Trong thông điệp công bố sau cuộc họp chính sách tháng 3 kéo dài hai ngày, Fed cho biết, chiến sự giữa Ukraine và Nga đang gây ra khó khăn to lớn về mặt con người và kinh tế.
Mặc dù các tác động đối với nền kinh tế Mỹ hiện tại là không chắc chắn, nhưng trong thời gian tới, chiến sự và các sự kiện liên quan có khả năng tạo thêm áp lực đối với lạm phát và đè nặng lên hoạt động của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước mắt, giá dầu và hàng hóa tăng do các sự kiện ở Ukraine có thể dẫn đến lạm phát cao hơn ở Mỹ trong ngắn hạn. "Theo dự báo của chúng tôi, lạm phát sẽ vẫn ở mức cao cho đến giữa năm”, Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý.
Hôm 10/3, Bộ Lao động Mỹ báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 2/2022, CPI Mỹ tăng 7,9% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ tháng 1/1982, với sự đóng góp lớn nhất là giá năng lượng. Giá xăng tại Mỹ đã tăng 38% trong giai đoạn 12 tháng tính tới tháng 2.
Tuy nhiên, áp lực tăng giá hiện không chỉ ở nhóm khí đốt và hàng tạp hóa. Giá quần áo tăng 6,6% trong 12 tháng qua. Chi phí sửa xe tăng 6,3% và giá vé máy bay tăng 12,7%. Chi phí thuê nhà ở cũng tăng mạnh trong những tháng gần đây và tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Mặt khác, ông Powell cũng cho biết, ngoài tác động trực tiếp khiến giá dầu và hàng hóa tăng, tình hình ở Ukraine còn có thể hạn chế hoạt động kinh tế ở nước ngoài và dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ thông qua thương mại và các kênh khác. Đặc biệt, "các chuỗi cung ứng sẽ trở nên rối rắm hơn nữa”.
"Sự biến động trên thị trường tài chính, nếu kéo dài, có thể khiến các điều kiện tín dụng phải thắt chặt và ảnh hưởng đến nền kinh tế thực. Việc thực hiện chính sách tiền tệ phù hợp trong những điều kiện này đòi hỏi chấp nhận nền kinh tế thường phát triển theo những cách không mong muốn", ông Powell nói. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed cũng khẳng định thêm, nền kinh tế Mỹ rất mạnh và có khả năng chịu đựng sự thắt chặt của chính sách tiền tệ.
Với tình hình hiện tại, Ngân hàng trung ương Mỹ nâng dự báo lạm phát ở nước này năm 2022 lên 4,3% từ mức 2,6%, năm 2023 lên 2,7% từ mức 2,3%, năm 2024 lên 2,3% từ mức 2,1%. Đồng thời, cơ quan này cũng hạ đáng kể dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2022, cụ thể từ 4% xuống còn 2,8%. Đồng thời, cơ quan này cũng giữ nguyên dự báo GDP năm 2023 ở mức 2,2% và năm 2024 ở mức 2%.
Để đối phó với lạm phát, Fed đã quyết định thực hiện đợt nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018. Theo đó, lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ nâng thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 0,25 - 0,5% nhằm đối phó với lạm phát.
Theo CNBC, cùng với quyết định nâng lãi suất, FOMC dự báo sẽ nâng lãi suất trong 6 cuộc họp tiếp theo trong năm 2022. Hầu hết các thành viên FOMC đều kỳ vọng lãi suất cơ bản sẽ đạt mức 1,75 - 2% vào cuối năm nay, song cũng có một ý kiến cho rằng lãi suất có thể tăng lên đến 3,0 - 3,25%.
Ngoài ra, một số thành viên FOMC dự báo, lãi suất sẽ đạt 3,5 - 3,75% vào năm 2023 - 2024. Ngoài ra, Fed tại các cuộc họp tiếp theo cũng dự định bắt đầu giảm lượng mua lại tài sản, nghĩa vụ nợ và chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp (MBS) từ thị trường.