Căng thẳng Nhật - Hàn: Tác động khó lường đến thị trường công nghệ

Theo Lê Duy/doanhnhansaigon.vn

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi tình thế hiện tại là “tình trạng khẩn cấp, chưa có tiền lệ”, và kêu gọi lãnh đạo các công ty hàng đầu nước này chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng kéo dài.

 Nếu mâu thuẫn Nhật - Hàn leo thang thành chiến tranh thương mại, sản lượng của ngành công nghiệp điện, điện tử Hàn Quốc sẽ giảm 20,6%, còn của Nhật Bản sẽ giảm 15,5%. Ảnh: Nikkei Asian Review
Nếu mâu thuẫn Nhật - Hàn leo thang thành chiến tranh thương mại, sản lượng của ngành công nghiệp điện, điện tử Hàn Quốc sẽ giảm 20,6%, còn của Nhật Bản sẽ giảm 15,5%. Ảnh: Nikkei Asian Review

Căng thẳng Nhật - Hàn tiếp tục leo thang trong tuần qua, khi Tokyo cáo buộc Seoul phá vỡ thoả thuận về những nội dung liên quan đến việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc mà hai bên sẽ công bố sau cuộc gặp hôm 12/7. Cụ thể, một quan chức thuộc Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết, Seoul “đã yêu cầu Nhật Bản rút lại các hạn chế thương mại trong cuộc gặp”, song phía Nhật Bản bác bỏ thông tin này.

Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 10/7 đã gọi tình thế hiện tại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là “tình trạng khẩn cấp, chưa từng có tiền lệ”, đồng thời kêu gọi lãnh đạo từ 30 công ty hàng đầu nước này như Samsung Electronics, SK Group, Huyndai Motor, Lotte Group... chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng kéo dài.

“Dù đã có nhiều nỗ lực ngoại giao, song chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng tình trạng này sẽ kéo dài. Trên tinh thần cấp bách, Chính phủ đang thiết lập hệ thống phản ứng để yêu cầu Nhật Bản rút lại quy định hạn chế xuất khẩu bất công này”, ông Moon nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ chi thêm 300 tỷ won (khoảng 250 triệu USD) để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước ứng phó với giai đoạn khó khăn trước mắt.

Thiệt hại cho cả hai bên

Căng thẳng Nhật - Hàn bùng phát sau khi Tokyo siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc đối với 3 loại vật liệu công nghệ cao quan trọng, là fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu).

Trong đó, nhựa nhiệt dẻo thường được sử dụng để chế tạo màn hình smartphone, còn chất cản màu dùng chế tạo linh kiện bán dẫn và in các mẫu mạch. Theo quy định mới của Tokyo, các nhà xuất khẩu Nhật Bản phải xin giấy phép cho mỗi lô hàng thuộc 3 loại vật liệu nói trên, với thời gian chờ được cấp phép lên tới khoảng 90 ngày.

Do đó, quyết định của chính quyền ông Shinzo Abe có thể gây thiệt hại lớn về lợi nhuận cho nhiều tập đoàn công nghệ khổng lồ Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix hay LG Display, vốn lệ thuộc vào nguồn cung 3 loại vật liệu kể trên từ Nhật Bản, khi đây là nơi sản xuất đến 90% lượng nhựa nhiệt dẻo của thế giới.

Trừ phi hạn chế được gỡ bỏ, nếu không các công ty Hàn Quốc sẽ buộc phải tìm nguồn cung thay thế từ Đài Loan và Trung Quốc, dẫu đây là việc hết sức khó khăn.

Ở chiều ngược lại, các công ty Nhật Bản như JSR, Tokyo Ohka Kogyo, Shin-Etsu Chemical, Showa Denko KK hay Kanto Denka Kogyo cũng sẽ hứng chịu tác động không hề nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều nhà cung cấp linh kiện đầu vào cho các hãng công nghệ lớn như Apple, Huawei… cũng không tránh khỏi các tác động tiêu cực từ quy định hạn chế xuất khẩu của Tokyo.

Các chuyên gia lo ngại, nếu lệnh hạn chế xuất khẩu linh kiện bán dẫn ảnh hưởng tới việc sản xuất chip của Samsung hay màn hình hiển thị OLED của LG, các tập đoàn công nghệ lớn của Nhật như Sony, Panasonic cũng không thể sản xuất sản phẩm liên quan, khiến doanh nghiệp nước này chịu tổn thất lớn.

Ông Ahn Ki-hyun - Phó chủ tịch Hiệp hội ngành bán dẫn Hàn Quốc - cho biết, Hàn Quốc là nước dẫn đầu thế giới trong sản xuất chip, trong khi Nhật Bản lại đi đầu trong nguyên liệu chủ chốt để sản xuất chip; do đó, căng thẳng thương mại nếu kéo dài sẽ khiến cả hai mất đi những đối tác tốt nhất, và không bên nào có thể tìm được phương án thay thế tối ưu trong thời gian dài.

Ông Cho Kyung-yup - một chuyên viên nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI) - dự báo, nếu doanh nghiệp Hàn Quốc thiếu 30% vật liệu sản xuất chip bán dẫn, GDP Hàn Quốc sẽ giảm 2,2%, trong khi GDP Nhật Bản giảm 0,04%.

Trong trường hợp Seoul đáp trả Tokyo bằng biện pháp tương tự, GDP Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ giảm lần lượt 3,1% và 1,8%. Còn nếu diễn biến xấu hơn, khi doanh nghiệp Hàn Quốc thiếu 45% vật liệu sản xuất chip bán dẫn, GDP sẽ giảm 4,2%.

Nếu mâu thuẫn giữa hai bên leo thang thành chiến tranh thương mại, sản lượng của ngành công nghiệp điện, điện tử Hàn Quốc sẽ giảm 20,6%, còn của Nhật Bản sẽ giảm 15,5%.

Theo giới phân tích, căng thẳng Nhật - Hàn sẽ không chỉ đe dọa sản lượng linh kiện dùng trong sản xuất smartphone và màn hình máy tính của Hàn Quốc, mà còn tác động đến thị trường công nghệ toàn cầu, làm trì trệ hoặc thậm chí kéo lùi nền công nghệ thế giới, cũng như đẩy giá bán sản phẩm đối với người tiêu dùng lên cao.

Theo bà Avril Wu - Giám đốc nghiên cứu cấp cao của TrendForce, nếu tình trạng căng thẳng kéo dài, sản lượng chip sẽ giảm, làm tăng giá chip, từ đó đẩy giá thành phẩm lên theo. Dù Hàn Quốc có thể sở hữu nguồn dự trữ, song tình hình thiếu hụt vật liệu sẽ xảy ra chỉ sau 3 tháng.

Mỹ sẽ can thiệp?

Thế nên, Hàn Quốc hiện đang tận dụng mọi nỗ lực có thể để giải quyết tình trạng căng thẳng với Nhật Bản, mà một trong số đó là kêu gọi sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ.

Được biết, sau tuyên bố siết chặt xuất khẩu của Tokyo, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã có cuộc điện đàm cùng người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo để bày tỏ lo ngại của Seoul về quy định hạn chế xuất khẩu, bên cạnh việc cử quan chức tới Washington để nhờ Mỹ can thiệp.

Theo giáo sư Yoon Sung-suk tại Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc đang tận dụng liên minh 3 bên giữa Seoul, Washington và Tokyo để thuyết phục Mỹ. “Tổng thống Trump sẽ cảm thấy có nghĩa vụ phải ra mặt, vì Washington không thể để tranh chấp thương mại giữa hai đồng minh mất kiểm soát giữa lúc Mỹ cần hỗ trợ từ cả hai để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân” - ông Yoon nhận định.

Còn theo một số chuyên gia khác, căng thẳng Nhật - Hàn leo thang và kéo dài sẽ là cơ hội hiếm có để nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vươn lên chiếm lĩnh thị phần, vốn là điều khó chấp nhận với Mỹ. Chiến tranh thương mại Nhật - Hàn nếu nổ ra sẽ mang tới rất nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất Trung Quốc, nhất là với ngành vật liệu bán dẫn còn non trẻ của đất nước này. Do đó, Mỹ chắc chắn sẽ phải can thiệp.