Cảnh báo nguy cơ của suy thoái toàn cầu tăng lên đáng kể
Một loạt những biến động toàn cầu đang tập hợp lại để đe dọa tăng trưởng kinh tế, theo một nhà quản lý đầu tư, người tin rằng những rủi ro của suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm tới giờ đã “tăng lên đáng kể”.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng toàn cầu đạt 3,8% trong năm 2017 và được dự kiến sẽ tăng 3,9% trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, sự leo thang của căng thẳng thương mại cùng nhiều các yếu tố khác có thể làm đảo ngược xu hướng này, Beat Wittman – đối tác tại hãng tư vấn tài chính Porta Advisors cho hay.
“Tôi nghĩ rằng nguy cơ suy thoái toàn cầu vào năm 2019 đã tăng lên đáng kể. Chúng ta đã bình thường hóa các điều kiện kinh tế, đó là điều cho thấy chúng ta đang ở giai đoạn cuối. Sau đó, chúng ta có sự leo thang về thuế quan và thương mại, sự kiện Brexit… Tất cả những điều này đã dẫn đến sự mất niềm tin vào đầu tư”, ông Wittman cảnh báo.
Ngân hàng trung ương các nước bắt đầu kết thúc các chính sách hỗ trợ thời kỳ khủng hoảng. Chẳng hạn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ khiến các khoản thanh toán nợ vay đắt hơn và thu nhập sẵn có của người tiêu dùng ít đi.
Đồng thời, Mỹ đã áp mức thuế quan mới đối với các đối tác thương mại toàn cầu và các quốc gia này đã trả đũa. Căng thẳng thương mại được cho là sẽ tiếp tục với việc châu Âu đang chuẩn bị áp mức thuế quan mới lên ô tô. Tháng trước, Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde cho rằng căng thẳng thương mại là nguy cơ “lớn nhất” đối với tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro.
Ông Wittman đã đưa ra cảnh báo về việc mở rộng tài chính theo kế hoạch tại Mỹ có thể sẽ làm tăng thâm hụt của chính phủ nước này, đồng thời ông cũng nhấn mạnh những cuộc bầu cử với sự tham gia của một số lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy trên thế giới. Với bối cảnh toàn cầu nay, một số nhà đầu tư nhận thấy việc rót vốn vào thị trường chứng khoán ngày càng khó khăn hơn.
“Hầu hết các nhà quản lý đều tỏ ra lo lắng bởi không có nơi nào để trú ẩn”, Giám đốc đầu tư tại The Embark Group, ông Peter Toogood cho biết. “Không giống như năm 2000 hay 2008, bạn vẫn có thể đi mua các biện pháp phòng thủ theo một cách nào đó”, ông Toogood nhắc đến cuộc suy thoái vào đầu năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, ông Toogood cũng cảnh báo rằng ngày càng khó để đầu tư vào những cổ phiếu không nhạy cảm với biến động tăng trưởng toàn cầu, hay còn được gọi là các cổ phiếu phòng thủ.