Cảnh giác chiêu trò khuyến mãi “sập sàn”
Càng về cuối năm, các chiêu trò khuyến mại, giảm giá hấp dẫn từ 50 - 80%… lại bắt đầu xuất hiện. Do ham rẻ mà nhiều người tiêu dùng đã “sập bẫy”.
Trên mạng Facebook, người dùng không khó để thấy những bài đăng quảng cáo giảm giá từ 70-80% các sản phẩm điện tử, quần áo,.. của những thương hiệu nổi tiếng như Marshall, Samsung, Adidas,…
Càng về cuối năm, những dòng trạng thái quảng cáo "Sale sập sàn", "Giảm giá 50%, cam kết hàng chính hãng, bảo hành 3 năm", "Giảm giá tri ân khách hàng lần đầu tiên tại Việt Nam",... lại xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội.
Kể lại một lần mua đồ giảm giá, Thế Văn (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết, đã có lần phải ngậm ngùi thanh toán món đồ không như mong muốn với mức giảm giá 10%. Chàng trai trẻ cho biết, giảm 10% không đáng là bao, nhưng vì đã đến xem và nhân viên tư vấn quá nhiệt tình nên đành mua món đồ đó.
“Mình có thích một chiếc áo sơ mi và xem trên website của cửa hàng. Trên đó, chiếc áo sơ mi mình muốn mua ghi còn hàng, là hàng chính hãng và đang giảm giá 50%. Trước khi đến, mình cũng có gọi cho cửa hàng hỏi thì cửa hàng bảo vẫn còn. Tuy nhiên khi đến nơi thì lại bảo hết. Vì để đỡ “ngại” do nhân viên nhiệt tình tư vấn nên quyết định mua một món hàng khác với mức giảm giá 10%”, Thế Văn chia sẻ.
Đầu tháng 10 vừa qua, người dùng Facebook như bị "tra tấn tinh thần" bởi loạt quảng cáo tai nghe Marshall, Samsung... giảm 70%, từ 3,58 triệu đồng xuống còn 569 nghìn đồng hay một sản phẩm khác có giá 3,25 triệu đồng giảm xuống còn 549 nghìn đồng.
Để tạo lòng tin, kẻ xấu đã giả mạo nhiều fanpage nổi tiếng với ảnh đại diện, ngôn ngữ, có đường dẫn tới web mua hàng rồi đồng loạt chạy quảng cáo, khiến người dùng lầm tưởng hãng tai nghe thực sự có chiến dịch khuyến mãi dịp cuối năm. Từ đó, nhiều người đã mắc bẫy mua hàng giả, chất lượng kém với giá cao mà không hề hay biết.
Sự thật, các sản phẩm loa nhập ngoại, được gắn nhãn sản xuất tại Nhật Bản, lại là hàng trôi nổi có nguồn gốc từ bên kia biên giới sau đó được gắn tem mác giả thành hàng hiệu.
Mới đây, ngày 19/12, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã triệt phá kho hàng giả thương hiệu Marshall quy mô lớn, chứa hơn 10.000 sản phẩm với tổng trị giá gần 4,4 tỷ đồng tại quận Tây Hồ.
Ngoài tai nghe không dây và loa Bluetooth của thương hiệu nổi tiếng Marshall, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn thẻ bảo hành chính hàng Marshall. Cùng với đó, là hàng loạt các mặt hàng khác như: Loa bluetooth Willen, Loa bluetooth Emberton, đồng hồ thông minh Smartwatch Series 8, Đồng hồ thông minh Hiwatch 8 Big 1.92, robot hút bụi Hitachi cùng lượng lớn tem, nhãn mác, vỏ hộp chứa đựng sản phẩm và thẻ bảo hành các hãng khác nhau.
Trong đó, có nhiều mẫu đang được đóng gói, dán nhãn giả để chuyển cho người mua online.
Tương tự, thời điểm tháng 6/2023, mạng xã hội xuất hiện thông tin hãng đồng hồ Omega nổi tiếng từ Thụy Sĩ giảm giá đến 70%, khách phải vật vã xếp hàng mua nhưng nếu đặt qua website thì lúc nào cũng có.
Tuy nhiên, đại diện Tic Tac Watch - đơn vị phân phối chính thức thương hiệu Omega tại Việt Nam đã thông tin, khuyến mại này không hề có đối với sản phẩm chính hãng. Và trên thực tế, địa chỉ website để lại trên mạng xã hội không phải website chính thức của đại lý phân phối.
Lý giải về thực trạng này, một chuyên gia Digital Marketing cho biết, đây là dạng quảng cáo bán hàng đánh vào tâm lý ham rẻ của nhiều người tiêu dùng. Những kẻ bán hàng thiếu lương tâm tạo ra một tài khoản cá nhân ảo trên mạng xã hội (thường là Facbook) để chia sẻ về cơ hội mua hàng hiệu với giá tốt.
Tài khoản cá nhân ảo này thoạt nhìn giống một người dùng thật nhưng nếu vào trang cá nhân để kiểm tra kỹ sẽ thấy đây thực chất là 1 fanpage lấy tên cá nhân. Nếu không để ý, người mua sẽ lầm tưởng đây là một bài chia sẻ có thật của một cá nhân chứ không phải quảng cáo bán hàng, vì thế dễ tin tưởng và "sập bẫy" bất cứ lúc nào.
"Cần phải tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng chống gian lận thương mại trên môi trường online, bởi vì thiệt hại trên môi trường online rất là lớn. Do vậy cần phải xử lý nghiêm bằng hình thức đủ sức răn đe với đối tượng vi phạm", ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục quản lý thị trường, nhận định.
Trên đây chỉ là một vài mánh khóe phổ biến và ngày càng tinh vi đang giăng khắp mạng xã hội, được kẻ xấu dùng để dẫn dụ, câu kéo người tiêu dùng.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,62% so với nửa cuối 2022. Những tháng cuối năm, tội phạm mạng tiếp tục triển khai hàng loạt phương thức và ứng dụng công nghệ hiện đại, gây thiệt hại lớn cho người dùng mạng.
Ông Nguyễn Ngọc Tú - Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, người dùng cần thận trọng khi thấy sản phẩm có giá quá rẻ so với thông thường để tránh mắc bẫy. Các nhãn hàng cũng nên chủ động phát hiện hình ảnh, video về sản phẩm của mình bị bên khác sử dụng cho mục đích lừa đảo để có biện pháp xử lý kịp thời.
"Người dân khi mua hàng online cần chú ý mua hàng phải có hóa đơn, chứng từ, kiểm tra chất lượng hàng hóa kỹ trước khi thực hiện giao kết nhận hàng", ông Nguyễn Ngọc Tú, Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đưa ra khuyến cáo.