Tránh rủi ro lừa đảo, gian lận trong xuất khẩu
Hội nhập thương mại quốc tế đã mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng đi kèm các rủi ro về gian lận, lừa đảo. Doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần tiếp tục có các giải pháp để vừa thúc đẩy xuất khẩu, vừa phòng tránh rủi ro này. Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Tài chính xoay quanh nội dung trên.
Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về nguy cơ lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế hiện nay và doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để phòng tránh rủi ro này?
Ông Hoàng Minh Chiến: Các gian lận, lừa đảo trong thương mại quốc tế hiện diễn ra rất phổ biến và nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua đã gặp phải những vướng mắc liên quan đến lừa đảo, gian lận thương mại.
Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng, ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã mở cánh cửa giao dịch thương mại quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm theo đó các rủi ro, trong đó hiện hữu nhất chính là rủi ro liên quan đến gian lận và lừa đảo trong thương mại, kinh tế.
Để phòng tránh vướng vào các lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam khi xác định tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu thì trước hết cần phải trang bị cho mình các kiến thức liên quan đến giao dịch thương mại quốc tế, đặc biệt là các kiến thức liên quan đến ký kết hợp đồng, các quy trình kỹ thuật và các bước để xác minh thông tin với đối tác.
Doanh nghiệp cũng cần phải có một đội ngũ đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp phụ trách riêng về hoạt động thương mại quốc tế để từ đó có thể có triển khai các hợp đồng một cách chuyên nghiệp, an toàn, hạn chế rủi ro trong các điều khoản của hợp đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tham khảo và sử dụng các dịch vụ tư vấn luật sư, tư vấn về thương mại quốc tế của các công ty con, công ty thương mại môi giới chuyên nghiệp để từ đó có thể phòng tránh được rủi ro khi tiến hành giao dịch.
Theo tôi, nguyên tắc số một là chúng ta phải luôn luôn có tinh thần cảnh giác và luôn chú trọng thực hiện việc xác minh thông tin, phải đặt lên hàng đầu.
Phóng viên: Bộ Công Thương đã triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp phòng tránh lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế, thưa ông?
Ông Hoàng Minh Chiến: Để hỗ trợ doanh nghiệp, phía Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các bộ, ban, ngành liên quan tới các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp cho các doanh nghiệp các thông tin, các kinh nghiệm trong giao dịch thương mại quốc tế.
Chúng tôi cũng sẽ triển khai các hoạt động liên quan đến đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hoạt động thương mại quốc tế. Bộ Công Thương đã giao cho các đơn vị chức năng như Cục Xúc tiến thương mại, Cục xuất nhập khẩu và các đơn vị liên quan khác để tiến hành hàng loạt các hoạt động tập huấn, tư vấn thông tin cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã và đang giao cho cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp, cập nhật các thông tin về tình hình thị trường, thị hiếu cũng như các khuyến cáo cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan thương vụ cũng sẽ là cầu nối để giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam xác minh thông tin liên quan đến đối tác, bạn hàng mà doanh nghiệp Việt Nam đang tiến hành thực hiện các giao dịch quốc tế.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tận dụng kinh nghiệm của các cơ quan, địa phương, của các hiệp hội ngành hàng, các hiệp hội ngành hàng để tham khảo trước khi tiến hành các giao dịch.
Phóng viên: Trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ triển khai những hoạt động nào để tiếp tục xúc tiến xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo hạn chế tối đa các rủi ro lừa đảo, gian lận thương mại, thưa ông?
Ông Hoàng Minh Chiến: Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ triển khai một số hoạt động để hỗ trợ cho doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ giao cho cơ quan chức năng như Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường ngoài nước, Cục Xuất nhập khẩu, các đơn vị chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu mang tầm quy mô lớn.
Cụ thể, sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tham gia hội chợ, triển lãm lớn quốc tế lớn của nước ngoài trong các lĩnh vực chuyên ngành nông sản, đồ uống, thực phẩm, ngành nghề như công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dệt may. Đây là những ngành nghề mà Việt Nam có thế mạnh, từ đó thúc đẩy cho giao thương của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài được nhiều hơn.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các địa phương, các hiệp hội ngành nghề cập nhật và cung cấp thông tin về thị trường, các quy định của pháp lý mới của các nước bạn, để các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan ban, ngành có thể nắm bắt, từ đó, có định hướng và chiến lược xuất khẩu cho phù hợp.
Chúng tôi cũng tiếp tục triển khai một loạt các hoạt động liên quan đến đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong về thương mại quốc tế, trong phòng, chống liên quan đến gian lận và lừa đảo thương mại quốc tế.
Một nội dung khác chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa đó là tuyên truyền cho các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội hiểu rõ hơn các hoạt động, nội dung liên quan đến thương mại quốc tế, về các vấn đề cần lưu tâm khi chúng ta tham gia quốc tế cũng như các khuyến nghị liên quan đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các lĩnh vực, ngành hàng cụ thể. Từ đó, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!