Cao Bằng – Điểm sáng trong triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững

PV. (t/h)

Giảm nghèo bền vững được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng. Cao Bằng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân sản xuất, tạo sinh kế để tăng thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. 

Năm 2025, tỉnh Cao Bằng phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% trở lên.
Năm 2025, tỉnh Cao Bằng phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% trở lên.

Cao Bằng là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, do đó đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các cấp ngành, địa phương cần có tinh thần quyết tâm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong giảm nghèo bền vững.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Toàn (huyện Bảo Lạc) Hoàng Quốc Việt, ngoài khó khăn do điều kiện tự nhiên thì bài toán giảm nghèo bền vững của xã còn gặp khó khăn vì nhiều gia đình không có đất, không tư liệu sản xuất, nhiều hộ nghèo neo đơn, già yếu, không có sức lao động.

Một số hộ còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước; khả năng tích lũy trong dân còn hạn chế nên việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin theo chuẩn nghèo đa chiều càng khó khăn…

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Cao Bằng đã đạt được thành công nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nguồn lực thực hiện của Chương trình được huy động đa dạng, bao gồm ngân sách, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp người dân được tiếp cận nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống đạt mức tối thiểu và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.

Năm 2024, toàn Tỉnh giải ngân được trên 1.146 tỷ đồng để triển khai đầu tư 169 lượt công trình cơ sở hạ tầng; 213 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho gần 19.000 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; thực hiện hỗ trợ được 4.062 hộ nghèo, cận nghèo xây mới, sửa chữa nhà ở; tổ chức được 42 lớp đào tạo nghề cho trên 1.300 lượt người…

Bên cạnh việc tặng bò để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất chăn nuôi, tín dụng chính sách cũng là một trong những chương trình được thực hiện hiệu quả trong giảm nghèo bền vững ở Cao Bằng.

Năm 2024, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng đã triển khai cho gần 7.000 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên vay vốn trên 400 tỷ đồng; trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ vốn tín dụng chính sách để cải tạo, sửa chữa và làm nhà mới, góp phần giúp nhiều gia đình có thêm nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Tỉnh Cao Bằng hiện còn gần 26.000 hộ nghèo, cận nghèo (chiếm 20,04%); tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện nghèo chưa đạt yêu cầu đề ra; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra làm tăng nguy cơ tái nghèo và phát sinh thêm hộ nghèo… Năm 2025, Tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% trở lên (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5% trở lên), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm ít nhất 4% với trên 5.150 hộ thoát nghèo vào cuối năm 2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đề nghị, thời gian tới, các cấp ngành, địa phương triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững; trong đó, cần lồng ghép các nguồn vốn, nguồn lực địa phương, nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của nhân dân để đầu tư mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài, hướng tới mục tiêu người dân có việc làm, tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững.

Các đơn vị đẩy mạnh thực hiện các dự án liên huyện, liên xã, hỗ trợ cho lưu thông sản xuất hàng hóa; tạo mọi điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn, tổ chức hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin; thực hiện hiệu quả các dự án, mô hình giảm nghèo…