Thông tư 194/2014/TT-BTC:

Cắt giảm 30% thời gian xem xét, phê duyệt thủ tục hành chính về bảo hiểm

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính vừa tổ chức Hội nghị tập huấn Thông tư 194/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính; tọa đàm sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2007/NĐ-CP, Nghị định 46/2007/NĐ-CP.

Thông tư số 194 đã cắt giảm từ 30%-40% thời gian xem xét phê duyệt của 12/47 thủ tục hành chính về bảo hiểm. Nguồn: internet
Thông tư số 194 đã cắt giảm từ 30%-40% thời gian xem xét phê duyệt của 12/47 thủ tục hành chính về bảo hiểm. Nguồn: internet

Trên cơ sở kết quả làm việc với từng khối doanh nghiệp (DN) bảo hiểm để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc và tổng hợp ý kiến tham gia của các DN bảo hiểm và các đối tượng có liên quan, ngày 17/12/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 194/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 124/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 123/2011/NĐ-CP; Thông tư số 125/2012/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính đối với DN bảo hiểm.

Theo đó, so với các quy định trước đây, Thông tư 194 đã đáp ứng được các nhóm mục tiêu cụ thể như: giúp đỡ, hỗ trợ, thúc đẩy DN tăng trưởng hiệu quả; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tăng cường quản trị của các DN bảo hiểm, tăng cường sự minh bạch và an toàn tài chính cho các DN bảo hiểm.

Cụ thể, Thông tư 194 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng nợ xấu (nợ phí bảo hiểm) của các DN phi nhân thọ; quy định rõ mức chi khen thưởng, hỗ trợ đại lý; cho phép cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm thực hiện đào tạo đại lý bảo hiểm trực tiếp hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm tổ chức thi, ra đề thi phù hợp với quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm hiện hành...

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và uy tín của DN bảo hiểm, Thông tư quy định DN kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được cấp thẻ cho các đại lý bảo hiểm của DN, chi nhánh nước ngoài. Thẻ đại lý bảo hiểm ghi rõ họ tên, mã số đại lý kèm theo ảnh đại lý. Đại lý bảo hiểm có trách nhiệm đeo thẻ trong khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.

Đặc biệt, các quy định tại Thông tư số 194 đã cắt giảm từ 30%-40% thời gian xem xét phê duyệt của 12/47 thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN bảo hiểm tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển.

Thông tư 194 cũng quy định cụ thể về thời gian đóng phí bảo hiểm. Cụ thể, khi hợp đồng bảo hiểm đã giao kết, DN bảo hiểm phi nhân thọ, DN chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài có thỏa thuận với bên mua bảo hiểm về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm (bao gồm cả thời gian gia hạn). Trường hợp đóng phí bảo hiểm một lần: Thời hạn thanh toán phí bảo hiểm không vượt quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực.

Trường hợp đóng phí bảo hiểm theo kỳ: Thời hạn thanh toán phí bảo hiểm của kỳ đóng phí bảo hiểm đầu tiên không vượt quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực. Quy định này không áp dụng đối với các kỳ đóng phí tiếp theo; trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm sẽ tự chấm dứt hiệu lực khi hết thời hạn thanh toán phí bảo hiểm...

Tại Hội thảo, đại diện Cục quản lý, giám sát bảo hiểm và các DN bảo hiểm đã cùng nhau trao đổi về các nội dung của Thông tư, giải đáp kịp thời những thắc mắc của DN trong việc triển khai Thông tư 194, đảm bảo triển khai tốt các quy định của Thông tư từ ngày 1/2/2015 - thời điểm Thông tư chính thức có hiệu lực.

Trả lời câu hỏi của một số DN bảo hiểm về quy định bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thanh toán phí bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ tự chấm dứt hiệu lực khi hết thời hạn thanh toán phí bảo hiểm... Vậy xác định thời điểm chấm dứt hiệu lực hợp đồng như thế nào? Đại diện Cục quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, thời điểm chấm dứt được tính tại thời điểm đến hạn thanh toán nhưng khách hàng không đóng phí. Vì vậy, các doanh nghiệp hết sức lưu ý cần phải ghi rõ ngày, giờ đóng phí khi kí kết hợp đồng.

Xung quanh ý kiến của một số DN bảo hiểm về quy định nợ phí bảo hiểm phải có tài sản đảm bảo và phải được quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Việc nợ phí có thể ghi trong phụ lục hợp đồng hay bắt buộc phải ghi vào hợp đồng bảo hiểm? Theo đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, phụ lục là một bộ phận cấu thành của hợp đồng bảo hiểm, vì vậy có thể ghi trong phụ lục hợp đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh cho biết thêm, mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để DN tăng trưởng hiệu quả, phát triển cả về mặt địa bàn, nghiệp vụ cũng như về mặt đầu tư tài chính. Tới đây, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục làm việc với khối bảo hiểm phi nhân thọ và khối môi giới để xây dựng những khung pháp lý về bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm cháy nổ, năng lượng nguyên tử, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm xe cơ giới,… tạo điều kiện để DN phát triển bền vững.