Câu chuyện sau cổ phần hóa

Theo thoibaonganhang.vn

(Taichinh) - Như vậy sau gần 25 năm, cuộc cách mạng cổ phần hóadường như chỉ mới bắt đầu. Việt Nam vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp nhà nước, vẫn còn hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước và cần phải tiếp tục một tiến trình bán hết cổ phần của Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo văn bản pháp luật hiện hành, quy định về DNNN là DN mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Như vậy, câu hỏi DNNN sau cổ phần hóa (CPH) có còn là DNNN có vẻ “ngớ ngẩn”. Nhưng thực tế cho thấy, trên 50% DNNN sau CPH vẫn là DNNN (theo khái niệm của thế giới). Tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải nêu vấn đề và giải thích, quan niệm về DNNN trên thế giới có sự khác biệt căn bản so với Việt Nam.

Ở các nước trên thế giới, Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn điều lệ của DN, mà chỉ từ 20% trở lên đến dưới 51% nhằm mục đích chi phối các quyết định quan trọng. Và sự “khôn ngoan” là ở chỗ đã nhờ NĐT và người lao động với tư cách là cổ đông tham gia quản trị DN. Với Việt Nam, nói rằng CPH để không còn DNNN nhưng thực chất mới chỉ là tiến trình đổi mới quản lý DNNN, chứ chưa thực sự là tiến trình CPH triệt để.

Sau gần 25 năm, chúng ta đã CPH trên 4.000 DNNN, nhưng 7 năm gần đây tiến trình này diễn ra chậm chạp. Tại nhiều DN, việc CPH diễn ra êm ái, trôi chảy vì không làm mất quyền lợi của ban quản trị. Người lao động thì hầu như không một ai bị mất việc hay mất chức và việc bán cổ phần (CP) chủ yếu là cho người lao động và NĐT nhỏ lẻ chứ không bán cho cổ đông chi phối, cho tổ chức.

Nhiều DNNN thực hiện CPH đến nay đều duy trì tỷ lệ CP Nhà nước ở mức lớn hoặc chi phối, mặc dù rất nhiều DN thực hiện CPH không thuộc diện khống chế bán CP. Với những DN CPH mà Nhà nước nắm giữ CP chi phối, DN chịu nhiều bất lợi. Những quyết định quan trọng tại DN như cử người đại diện phần vốn Nhà nước, giữ chức tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT; hay ra quyết định đầu tư, kế hoạch kinh doanh… vẫn phải qua nhiều cấp quản lý để xin ý kiến. Thêm nữa, thực trạng nhiều nhân sự kém hoặc không xứng đáng được đề cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại DN đã làm nản lòng nhiều nhân sự giỏi trong DN và dẫn đến “chảy máu chất xám”.

Một thực tế đang diễn ra tại rất nhiều DN CPH là những DN kinh doanh hiệu quả (không tính yếu tố độc quyền) thường có ban quản trị giỏi. Nhưng họ vẫn bị cản trở trong quản trị DN và đều có nguyện vọng là Nhà nước thoái vốn để có thể “dễ thở” hơn; đồng thời, cũng tránh được việc phải nhận những nhân sự quản lý cao cấp nhưng yếu kém về năng lực. Còn những DN kinh doanh không hiệu quả thường có ban quản trị năng lực bình thường hay yếu kém thì vẫn còn thích duy trì tỷ lệ CP Nhà nước chi phối, không thích đổi mới. Tình trạng này nếu kéo dài thì nguy cơ vốn và tài sản của Nhà nước cũng như của cổ đông sẽ bị thất thoát và biến mất.

Như vậy sau gần 25 năm, cuộc cách mạng CPH dường như chỉ mới bắt đầu. Việt Nam vẫn còn rất nhiều DNNN, vẫn còn hàng ngàn DNNN và cần phải tiếp tục một tiến trình bán hết CP của Nhà nước. “Với tiến độ hiện nay và nếu không có giải pháp mạnh thì có lẽ sau 50 năm nữa tiến trình CPH theo thông lệ thế giới mới kết thúc”, VAFI nhìn nhận.