Hướng dẫn tổ chức phân luồng các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu:
Chấm dứt tình trạng ban hành văn bản trái luật
Trước làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đồng bộ triển khai nhiều giải pháp sáng suốt để vừa chống dịch, vừa bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần tính mạng của người dân là đáng quý nhất. Thế nhưng, thời gian vừa qua đã có không ít địa phương thay vì tìm tòi các giải pháp chống dịch thì lại cứng nhắc trong chỉ đạo, ban hành những văn bản, “giấy phép con”, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp, thậm chí trái luật đến mức phải thu hồi.
Cụ thể, ngày 28/8, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Cần Thơ Lê Tiến Dũng đã ký văn bản hỏa tốc thu hồi văn bản về tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 được ban hành trước đó chưa đầy 24 giờ với lý do một số nội dung quy định trong văn bản “chưa phù hợp với thực tế”.
Trước đó, các doanh nghiệp vận tải, nhất là các phương tiện vận tải hàng hóa bất ngờ trước việc Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ ban hành công văn 2346 yêu cầu kể từ 0h ngày 28/8, các phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua địa phương này “Không” đi qua QL91 và 91B trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp vật tư thiết bị y tế...
Sự việc tương tự cũng xảy ra gần một tuần trước đó khi có hàng trăm xe tải chở hàng hóa bị ùn ứ tại chốt kiểm soát QL1 do “vấp” phải văn bản của UBND TP. Cần Thơ. Quyết định số 359 ngày 23/8 của UBND nêu rõ: "Tất cả các xe vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác đến Cần Thơ để giao nhận hàng hóa đều phải đăng ký trước, đồng thời tập trung giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa do TP. Cần Thơ quy định, trường hợp hàng hóa không xuống hàng sang xe thì phải đổi tài xế”.
Ngay sau khi nhận được thông tin này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phát đi văn bản số 6159 yêu cầu Sở GTVT TP. Cần Thơ lập tức điều chỉnh hoặc thu hồi ngay văn bản số 2346 quy định "cấm cửa" phương tiện lưu thông trên quốc lộ 91, 91B đoạn qua địa phận thành phố này. Theo quy định, hệ thống quốc lộ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý.
Việc phân luồng trên quốc lộ thuộc thẩm quyền của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT địa phương không được triển khai phân luồng nếu không có sự chỉ đạo từ cơ quan quản lý đường bộ Trung ương. Với trường hợp này, việc Sở GTVT TP. Cần Thơ tự ý phân luồng, cấm phương tiện lưu thông trên quốc lộ 91, 91B là sai về thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ.
Để chấn chỉnh vấn đề này, trước đó ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc. Tại Điểm 9, mục II. Công điện nêu rõ: “Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành và các địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống người dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu.
Mới đây nhất, ngày 26/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có Công điện số 12/CĐ-BGTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt, Văn bản số 1015/TTg ngày 25/7 của Thủ tướng Chính phủ về vận chuyển hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19. Đồng thời, chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá trong tình hình dịch COVID-19.
Biết rằng, trong giai đoạn này dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc tăng cường các biện pháp kiểm soát đi lại để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc siết chặt kiểm soát đi lại không có nghĩa là “đẻ thêm những giấy phép con” trái quy định của Trung ương, cản trở lưu thông hàng hóa.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc điều hành văn phòng Luật TGS, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đây không là phải chuyện bình thường, nhất là những văn bản gây cản trở lưu thông hàng hóa cho người dân và khu vực cách ly; cần kiểm điểm, xử lý trách nhiệm để ngăn việc các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm ban hành văn bản rồi rút lại hoặc ban hành những văn bản không đúng quy định của pháp luật.
Điều 134 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP nêu rõ: Cơ quan ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật phải tổ chức việc kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể và báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật, đồng thời xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật; cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.