Chẩn bệnh “sốt” đất

Theo dddn.com.vn

Liên tục những cơn “sốt” nóng cục bộ của thị trường bất động sản ở các góc khác nhau của thành phố được ghi nhận trong khoảng 8 tháng trở lại đây. Tháng 9/2009 “nóng”, tháng 10 lại “sốt”, ra Tết “nóng”, tháng 5/2010 lại “sốt”. Những kịch bản y hệt nhau được lặp đi lặp lại với khoảng cách ngày càng ngắn lại.

Từ vài chục năm trở lại đây, người ta thường rỉ tai nhau về tần suất “sốt” giá đất ở Hà Nội cứ 4 - 7 năm một lần. Trong “cơn lốc” quy hoạch, điều chỉnh địa giới hành chính, lại được sự “hà hơi tiếp sức” khá nhiệt tình của giới truyền thông, nhận định ấy giờ đã quá lỗi thời.

Liên tục “sốt”

Song điều đáng kinh ngạc là thay vì vài năm xuất hiện một lần như trước, giờ đây, chúng chỉ cách nhau có vài tháng. Nếu như giá thép có tăng, có giảm, giá cổ phiếu cũng trồi sụt liên tục thì thật kỳ lạ, giá đất trong gần 1 năm trở lại đây chỉ tăng chứ không có lúc nào giảm. Từ giá gốc dưới 10 triệu/m2, nhiều vị trí ở khu phía Tây Hà Nội giờ đã tăng lên hơn 30 triệu đồng, thậm chí trên 40 triệu đồng/m2, nghĩa là tăng tới 300 - 400% chỉ trong vòng 12 - 18 tháng.

Ở đợt “sốt” khởi nguồn cho những tham vọng của giới đầu cơ bất động sản, đầu Quý IV/2009, thị trường Hà Nội đã dấy lên cơn sóng lớn được khơi nguồn từ vô số các tin đồn khác nhau. Ở Từ Liêm là tin Mỹ Đình sẽ chính thức “lên đời” thành quận. Thanh Trì cũng được đồn thổi “lên” quận. Rồi tin đóng cửa vĩnh viễn Nghĩa trang Văn Điển, tin khai thông, hoàn thành hàng loạt tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch nối các huyện phía Tây...

Những ngày đầu hè 2010 ở một số huyện ngoại thành xa xôi của Hà Nội mở rộng như Ba Vì, Thạch Thất... càng trở nên nóng bức khi dòng người từ khắp nơi đổ về lùng mua đất. Tại các huyện này, chỉ trong vòng 2 tháng, các trung tâm môi giới nhà đất mọc lên như nấm, cắm rễ vào ngay trong lòng các thôn, xóm với đội ngũ “cò” tận tình phục vụ khách xem đất 24/24h. Theo những lời rỉ tai của đám người này, giá đất nông nghiệp, đất thổ cư hay đất trồng cây lâu năm ở các huyện này vốn hàng chục năm “ngủ yên” giờ đang trỗi dậy mạnh mẽ. Cứ qua 2 - 3 ngày, giá đất lại tăng chóng mặt. Tùy theo vị trí xấu đẹp, diện tích to nhỏ, qua gần 1 tháng có nơi tăng tới trên 200%. Chuyện ông A, bà B, anh C đầu tư mua đất trên “núi” chỉ sau 2 tuần đã bán lãi thu tiền tỷ cứ nhan nhản khắp các ngõ ngách của vùng bán sơn địa của Hà Nội.

Ảo thành thật

Nguyên do của đợt sốt nóng bất thường này được giới “cò” “buộc” vào thông tin Hà Nội sẽ mở trục Thăng Long, nối đường Hoàng Quốc Việt tới chân núi Ba Vì, đi qua hàng loạt huyện phía Tây như Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì... Điều đáng nói là ở thời điểm này, trục Thăng Long mới chỉ là một ý tưởng thuộc dự thảo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Người ta còn đang tranh luận gay gắt liệu có nên đưa trục này vào quy hoạch hay không? Nếu có đưa vào thì quy mô như thế nào, sẽ đi qua những đâu? Tóm lại, trong khi thông tin về trục tuyến này còn hết sức mơ hồ thì nhiều người đã được giới thiệu một cách “trung thực” nhất rằng, trục Thăng Long sẽ đi qua trước cửa nhà này, ngõ nhà kia...

Một cán bộ quản lý thuộc huyện Thạch Thất nói thẳng: “Đất tăng giá chóng mặt là do đội ngũ “cò” thổi giá nhằm lướt sóng kiếm lời. Chẳng hạn gia đình anh A bán được 100 triệu đồng, gia đình anh B thấy vậy bèn nhờ cò tìm khách hộ với giá 110 triệu đồng. Cò muốn có hoa hồng cao bèn hét với khách giá 120 triệu đồng để ăn chênh lệch… Cứ như thế, người nọ qua tay người kia đẩy giá cả lên ngất ngưởng”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam không tin thực sự có “sốt đất” ở Ba Vì, Thạch Thất (Hà Nội). Ông cho rằng, có thừa tiền mới mua đất ở Thạch Thất, Ba Vì tại thời điểm này, bởi đó sẽ là khoản đầu tư rất dài hạn. Ông nói: “Tâm lý một bộ phận người dân đúng là có biến động sau khi Bộ Xây dựng, TP Hà Nội công bố, triển lãm Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (tại khu Triển lãm Vân Hồ) với những thông tin như đường trục Thăng Long, Trung tâm hành chính quốc gia, các khu đô thị vệ tinh... Trong đó, nhiều người quan tâm tới thông tin chuyển Trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì, nhưng đó là câu chuyện của 50 năm nữa. Đó là chưa nói tới việc trong tương lai có khi còn điều chỉnh. Tôi nói ngay như Điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội năm 1998 do Thủ tướng duyệt thì nay cũng đã sửa rồi”.

Ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, câu chuyện mua - bán đất rộ lên gần đây chỉ là dạng nóng cục bộ do tâm lý đầu tư bầy đàn. Người ta chỉ nghe đồn thổi rằng mua bán trao tay sẽ đạt lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn thì ham mà lao vào như thiêu thân. Phân tích tình hình bằng những thông tin cụ thể sẽ thấy rằng, đầu tư đất đai về vùng từ Xuân Mai tới Ba Vì, giá sẽ lên rất chậm, không thể có lợi bằng việc đầu tư các dự án hiện hữu từ vành đai 4 trở vào. Bởi những dự án đó đã khá rõ ràng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội liên quan.

Ông Nam cũng không loại trừ khả năng giới đầu cơ đã “ôm” đất từ trước giờ mới trổ mánh “thổi” giá đất để đẩy hàng ra. Thực tế đã ghi nhận không ít đợt sốt cục bộ trong khoảng thời gian rất ngắn do giới đầu cơ thao túng. Ông dành lời khuyên cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ: “Hiện nay, đầu tư bất động sản phải có tính toán, phân tích cụ thể dựa trên những thông tin xác thực. Phải xem xét hạ tầng khu vực đó như thế nào? Phương hướng phát triển, quy hoạch ra làm sao, lộ trình ưu tiên khu nào làm trước, khu nào làm sau... Ngay sát trung tâm Hà Nội, nhiều khu đang rất cần đầu tư mà Nhà nước còn chưa đủ kinh phí để làm nói gì tới tận Ba Vì. Thế nên, câu chuyện đầu tư ở Thạch Thất, Ba Vì phải chấp nhận rất dài hạn”.

Để làm rõ “sốt” đất thật hay ảo, đoàn công tác liên ngành của Ban chỉ đạo Trung ương về nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội đã bắt đầu đi kiểm tra tình hình tăng giá đất trên địa bàn Hà Nội, nhất là một số huyện phía Tây. Đoàn sẽ đi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai, Thường Tín, Mê Linh... để có cái nhìn khái quát về tình hình biến động giá đất tại các khu vực này, đặc biệt là từ đầu 2010 đến nay. Chưa rõ câu chuyện sốt giá đất ở phía Tây Hà Nội sẽ được cơ quan chức năng “mổ xẻ” ra sao. Song, điều rất rõ là đám đại gia đã “ôm” đất từ trước khi có “sóng” đã thu vào nguồn lợi khổng lồ từ những nhà đầu tư nhỏ lẻ.