Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện: Những vấn đề cần quan tâm
Tài chính toàn diện là vấn đề được rất nhiều quốc gia chú trọng, trong đó Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và đã giao các bộ, ngành xây dựng Chiến lược Quốc gia về Tài chính toàn diện.
Chủ đề "nóng" của APEC
Trải qua nhiều thập kỷ, tài chính toàn diện đã trở thành tầm nhìn chung của toàn thế giới trong sứ mệnh xóa đói, giảm nghèo, hướng tới một xã hội ổn định, công bằng và thịnh vượng, nơi mọi người đều được thụ hưởng những thành quả do phát triển kinh tế đem lại.
Các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Nhóm các nước G20 đều rất chú trọng đến việc hỗ trợ và thúc đẩy các quốc gia thực thi các giải pháp để đạt được mục tiêu về tài chính toàn diện. Đã có 55 nước đưa ra cam kết về thực thi tài chính toàn diện, hơn 30 nước ban hành hoặc đang xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.
Đối với tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), từ năm 2005, APEC đã nhận thức vai trò quan trọng của tài chính toàn diện. Từ 2011, Diễn đàn về tài chính toàn diện của APEC đã được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý và các sáng kiến giải pháp chính sách tốt nhất nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện ở các nước thành viên.
Trong năm 2017, Bộ Tài chính Việt Nam đã cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lựa chọn chủ đề tài chính toàn diện làm một trong số các chủ đề ưu tiên để thảo luận, hướng tới các hành động chung trong Diễn đàn APEC. Chủ đề này được nước chủ nhà Việt Nam lựa chọn và nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên xuất phát từ ý nghĩa hết sức lớn lao đối với sự phát triển bền vững, đặc biệt đối với Việt Nam.
Những nội dung cần đưa vào Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện
Việt Nam đang triển khai nhiều chính sách và hoạt động trong khuôn khổ tài chính toàn diện như phát triển tài chính vi mô, thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân. Thông tin từ NHNN cho biết, đã có sự gia tăng đáng kể trong số lượng người trưởng thành có tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức, từ 21,3% năm 2012 lên 30,9% năm 2014.
Tuy nhiên, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức tại Việt Nam vẫn thấp so với các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc là 78% và Thái Lan là 79%. Việc tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng chủ yếu phát triển ở các thành phố lớn, đô thị còn ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng còn rất hạn chế. Về lâu dài, để xây dựng được một Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện và triển khai một cách đồng bộ và bài bản.
Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Hiện cơ quan này đang xây dựng dự thảo khung chiến lược quốc gia tài chính toàn diện dự kiến trình Thủ tướng thông qua vào năm 2020.
Đại diện NHNN cho biết, một trong rất nhiều kinh nghiệm mà chúng ta có thể học hỏi từ các nền kinh tế thành viên APEC là khung khổ và khái niệm về tài chính toàn diện cần bao gồm nhiều yếu tố như vấn đề tiếp cận dịch vụ, sử dụng dịch vụ cũng như chất lượng dịch vụ tài chính. Để triển khai tài chính toàn diện hiệu quả cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan, không chỉ khu vực Chính phủ mà còn các khu vực tư nhân cũng như các khu vực chính thức, khu vực phi chính thức...
Trong quá trình triển khai, phải ứng dụng công nghệ tài chính để thúc đẩy tài chính toàn diện. Đồng thời, chú trọng xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng về tài chính, hạ tầng công nghệ cũng như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô, nhận diện số để giảm chi phí về sử dụng dịch vụ tài chính, phòng chống rửa tiền...