Đề xuất giải pháp tăng cường phối hợp trong phòng, chống rửa tiền

PV.

Việt Nam hiện nay đã tránh được nguy cơ bị Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế FATF đưa vào Danh sách những quốc gia có rủi ro về rửa tiền và tài trợ cho khủng bố gây bất ổn cho hệ thống tài chính Quốc tế. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của của cơ quan này, Việt Nam vẫn thuộc danh sách các quốc gia có thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền, chống khủng bố.

Theo đó, nếu Việt Nam không có những cải thiện kịp thời về chính sách trong quá trình rà soát của FATF, không loại trừ khả năng sẽ trở thành đối tượng bị áp dụng biện pháp đối kháng từ các quốc gia thành viên của FATF.

Thực tế này đỏi hỏi Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện những yêu cầu xác đáng của FATF để tránh nguy cơ có thể gây tổn hại đến uy tín và hoạt động động ngoại thương.

Trên cơ sở đánh giá kết quả đã đạt được, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác phòng, chống rửa tiền thông qua các tổ chức tín dụng như sau:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo triển khai xây dựng và ban hành các văn bản liên quan đến phòng, chống rửa tiền theo đúng tiến độ mà Chính phủ đã giao theo Quyết định số 2112/QĐ-TTg. Trong đó chứa đựng hầu hết các giải pháp quan trọng nhằm tăng cường khả năng phân loại và quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai, bổ sung hướng dẫn để nhận diện giao dịch đáng ngờ kể cả đối với các giao dịch có ý định thực hiện hoặc chưa được hoàn tất nhưng đáng ngờ về bản chất.

Thứ ba, duy trì và tăng cường biện pháp nhằm đưa chính sách về một nền kinh tế không sử dụng tiền mặt vào thực tiễn.

Thứ tư, tăng cường năng lực của Cục Phòng, chống rửa tiền trở thành một cơ quan đầu mối thực thụ trong việc thu thập, chia sẻ và xử lý thông tin của các đối tượng báo cáo theo Luật Phòng, chống rửa tiền. Trong đó, bao gồm cả các giải pháp nâng cao nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để Cục Phòng, chống rửa tiền hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ năm, thực hiện tổng thể các biện pháp đưa các nội dung của Basel II vào thực tiễn tại các ngân hàng thí điểm, từ đó mở rộng ra toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời nghiên cứu tính khả thi và xây dựng kế hoạch đưa Basel III và Basel IV vào triển khai trên thực tế tại Việt Nam, nâng cao năng lực kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.