Chặn “thổi vống” chi phí!

Theo Hà Phương/daibieunhandan.vn

Đầu tư dàn trải vẫn là căn bệnh chưa có toa thuốc đặc trị. Nhưng đáng suy nghĩ hơn là tình trạng “thổi” vống dự toán, đẩy cao quyết toán để tăng chi phí, làm khó cho kinh tế đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhìn xem: Hàng loạt đường cao tốc đầu tư theo hình thức BOT từ khâu xây dựng dự án, cho đến phê duyệt, thi công, quyết toán cũng toàn con số xa thực tế, tùy tiện đặt mức phí, kéo dài thời gian thu, hỏi sao người dân không bất bình? Thiên tai, bão gió điều không ai muốn, nhưng một tỉnh nằm ngoài rìa cơn bão số 10 như Thanh Hóa mà cũng kê khai thiệt hại quá lớn, nhằm mong “đón lõng” tiền ngân sách hỗ trợ, không thể không giật mình (?). Lại nghe: Bộ Xây dựng vừa công bố kết luận thanh tra 3 dự án bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, phát hiện tính sai chi phí tới hơn trăm tỷ đồng từ giải phóng mặt bằng đến các hạng mục không có trong thiết kế... Tất nhiên, thanh tra Bộ Xây dựng đã buộc các chủ đầu tư và ban quản lý dự án phải trả lại tiền chi không đúng cho Nhà nước.

Chỉ sơ bộ vài vụ việc như thế đã thấy quản lý, chi tiêu tiền bạc, ngân sách đang còn nhiều lỗ hổng. Ngó vào lĩnh vực nào cũng lộ ra những kẽ hở không nhỏ. Mới hay, nợ công cao, nhưng đầu tư kém hiệu quả cũng từ những vụ việc kiểu như vậy mà ra.

Nếu các bộ ngành, tỉnh thành rà soát, thanh tra - kiểm tra các dự án chắc sẽ phát hiện không ít dự án bị đẩy chi phí lên cao. Vấn đề đặt ra là chả lẽ cứ chịu bó tay với những chiêu trò này mãi sao? Chế tài, cơ chế để quản lý không thiếu.

Những quy định trong các điều luật càng không thiếu. Phải chăng người thực thi và cả giám sát không nghiêm?

Nếu tuân thủ quy định thì sao có chuyện các trạm thu phí BOT đặt không đúng khoảng cách, vị trí để dân ca thán. Nếu dự toán, quyết toán chuẩn chỉ không để cho nhà đầu tư tự “phóng lên”, thì sao có chuyện phát hiện hàng loạt sai phạm, gian lận về thời gian thu phí kéo dài cả mấy chục năm kia? Rõ ràng là nhà đầu tư đã qua mặt ngành chức năng để móc túi cả Nhà nước lẫn người dân. Câu hỏi đặt ra là có ai “chống lưng” không? Có lợi ích nhóm trong đó không? Phải mổ xẻ xem việc nhà đầu tư BOT làm mình, làm mẩy, đòi trả lại dự án cho Nhà nước thì đằng sau đó là gì?

Hãy nhìn lại những hỗ trợ của Nhà nước với những địa phương bị thiên tai, liệu tình trạng khai vống thiệt hại như tỉnh Thanh Hóa có xảy ra ở nơi khác không? Soi kỹ lại những năm trước có chuyện này không? Các bộ ngành, các tỉnh thành khác có không? Rất nhiều câu hỏi dư luận đặt ra xoay quanh những lỗ hổng không nhỏ trong quản lý, chi tiêu vốn đầu tư hiện nay.

Ngay tại hội nghị bàn cách ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long cũng nóng lên những đầu tư dàn trải, những quy hoạch cát cứ. Ai hay có tới 2.500 quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Quá nhiều, nên quy hoạch này mâu thuẫn với quy hoạch kia. Cái cần đồng bộ, cái cần liên kết lại rời rạc.

Chính phủ chỉ đạo, dứt khoát phải chặn đứng tình trạng đầu tư dàn trải để dành vốn cho những công trình trọng điểm quốc gia. Nhưng hơn hết phải chặn bằng được tình trạng “thổi vống” dự án, vẽ vời cái này, cái kia để tăng chi phí, đội vốn khiến dư luận bất bình!