Châu Á tăng cường phòng thủ ra sao cho khả năng Fed đảo ngược chính sách tiền tệ?

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Tổng giá trị ngoại tệ mà ngân hàng trung ương các nước mới nổi châu Á nắm giữ ước tính khoảng 5,82 nghìn tỷ USD tính đến tháng 5/2021 – cao nhất tính từ tháng 8/2014.

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Nhóm các nền kinh tế tại châu Á hiện đang có dự trữ ngoại hối lớn nhất tính từ năm 2014. Nguồn lực dự trữ này giúp mang đến sự bảo vệ hiệu quả trước các biến động thị trường trong trường hợp Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đổi mục tiêu chính sách tiền tệ.

Tổng giá trị ngoại tệ mà ngân hàng trung ương các nước mới nổi châu Á nắm giữ ước tính khoảng 5,82 nghìn tỷ USD tính đến tháng 5/2021 – cao nhất tính từ tháng 8/2014. Trong khi dự trữ tiền mặt của Trung Quốc giảm đi, dự trữ tiền mặt của ngân hàng trung ương nhiều nước châu Á đứng ở mức cao kỷ lục 2,6 nghìn tỷ USD.

Dự trữ ngoại hối của các nước châu Á tăng có sự đóng góp không nhỏ từ việc đồng USD suy yếu và xuất khẩu tăng trưởng tốt, nhưng rõ ràng bản thân các nhà hoạch định chính sách châu Á cũng đang chủ động muốn tăng cường sự phòng thủ, theo chuyên gia kinh tế tại ING Groep tại Manila, Philippines – ông Nicholas Mapa.

“Nhóm các nền kinh tế mới nổi châu Á rõ ràng đang học từ quá khứ bằng cách tăng cường phòng thủ. Họ đều ý thức được về khả năng Fed và ngân hàng trung ương nhiều nước phát triển khacs sẽ đảo ngược định hướng chính sách tiền tệ”, ông Mapa nhấn mạnh.

Dù rằng Fed dự kiến sẽ vẫn duy trì triển vọng mềm mỏng trong cuộc họp bàn về chính sách tuần này, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc kinh tế Mỹ phục hồi nhanh đồng nghĩa với việc Fed sẽ phải nói đến khả năng đảo chiều chính sách sớm hơn dự kiến. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và New Zealand đã nói rằng việc kinh tế phục hồi sẽ đẩy lãi suất tăng cao hơn.

Năm 2013, chủ tịch Fed khi đó là ông Ben Bernanke đã có bài phát biểu về định hướng chính sách, trong đó ông nói rằng Fed sẽ bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản, kết quả toàn thị trường tài chính châu Á đã chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy, lợi suất trái phiếu tăng, ngân hàng trung ương nhiều nước đã buộc phải dùng dự trữ để bảo vệ cho đồng tiền của họ. Lợi suất tăng cao thường tạo ra nhiều biến động và đồng thời đẩy cao chi phí lãi vay trong khu vực.

Trưởng bộ phận kinh tế tại châu Á – Thái Bình Dương của ngân hàng Scotia, bà Tuuli McCully, nhận xét: “Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ thay đổi định hướng chính sách sẽ là phép thử quan trọng đối với thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối”. 

Bà phân tích: “Có những khác biệt đáng kể giữa các nước trong khu vực, một số nước sẽ dễ chịu tác động hơn nước khác xét đến thị trường tài chính và biến động dòng vốn”. Bà viện dẫn đến Malaysia và Indonesia như những nước dễ tổn thương khi mà tỷ lệ dự trữ thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và có các điều kiện kinh tế tương đồng.

Lần này, ngân hàng trung ương nhiều nước châu Á có thể sẵn sàng đương đầu với thay đổi chính sách từ phía Chủ tịch Fed Jerome Powell bằng nhiều “vũ khí” sẵn có.

Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tháng 5/2021 tăng lên mức cao nhất trong 5 năm và hiện đang ở mức 3,22 nghìn tỷ USD nhờ đồng USD hạ giá và danh mục được bổ sung.

Giới chức Ấn Độ, trong cơn hoảng sợ vì khủng hoảng Taper Tantrum, trong khi đó đã xây dựng dự trữ ngoại hối khoảng hơn 600 tỷ USD. Vào đầu năm nay, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đã có lúc vượt qua Nga để đứng thứ 4 thế giới về quy mô. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ khẳng định nền kinh tế lớn thứ 3 tại châu Á sẽ được bảo vệ khỏi những cú sốc toàn cầu.

Tại Philippines, dự trữ của ngân hàng trung ương nước này ước tính sẽ đạt kỷ lục 114 tỷ USD trong năm nay, dự trữ của Đài Loan trong khi đó đã tăng lên 542,98 tỷ USD trong tháng 5/2021 còn dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc ước đạt 456,46 tỷ USD tính đến tháng 5/2021.