Châu Âu và những cuộc khủng hoảng

Huy Hiếu

Châu Âu đang đối mặt với không chỉ một mà là nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Về kinh tế, ngoài khủng hoảng nợ công, các nước trong khu vực đang tìm mọi cách để thoát khỏi nguy cơ giảm phát sau một thời gian dài tăng trưởng chậm. Các nhà dự báo chuyên nghiệp tham gia cuộc khảo sát mới đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm 2015 và năm tới. Cho tới năm 2017, dự báo tăng trưởng của khu vực sẽ ít hơn 2% và kèm theo cảnh báo về một nguy cơ giảm phát có thể đang diễn ra.

Lạm phát thấp đang gây khó khăn cho mục tiêu nâng lạm phát lên mức 2% của ECB và gây sức ép khiến ECB phải mở rộng chương trình nới lỏng định lượng (QE). Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát Khu vực Eurozone đã bất ngờ rơi xuống - 0,1% trong tháng 9/2015, có khả năng gây ra một đợt giảm giá nguy hiểm trở lại ở châu Âu. ECB cho rằng tình trạng suy giảm trên chủ yếu là do giá dầu giảm và sẽ chấm dứt khi giá năng lượng đang ổn định trở lại. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ECB cần phải tăng cường chương trình kích thích kinh tế để đảm bảo việc lạm phát rơi trở lại khu vực âm chỉ là tạm thời.

Về chính trị, cuộc đối đầu với Nga tại Ukraine đã khiến châu Âu trở thành kẻ thua cuộc lớn nhất khi các nước thành viên trong khu vực để mất thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm. Hậu quả là các cuộc “biểu tình sữa” hay “biểu tình máy cày” đã diễn ra trên khắp châu lục. Tham vọng muốn quay trở lại khu vực Baltic, củng cố vị thế địa chính trị trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng bị thu hẹp và chi phí hỗ trợ cho chính quyền Kiev phình to cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu dường như đang tính toán sai lầm.

Cuộc khủng hoảng mới nhất, nguy cấp nhất mà châu Âu đang phải đối mặt là dòng người di cư từ Trung Đông, Bắc Phi đã, đang và tiếp tục ồ ạt tràn vào lãnh thổ các nước châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel dự báo cuộc khủng hoảng này còn tồi tệ hơn cả “bão nợ công” nếu các nước không hành động.

EU đang phải đối mặt với những bài toán kinh tế hóc búa khi bị bủa vây bởi cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn lên tới hàng triệu người, khiến chính phủ các nước này phải chi ngân sách lên tới hàng tỷ USD.

Đối với một số quốc gia khác, kể cả Đức, các chi phí này lại không hề nhỏ. Đức đã dành 6 tỷ euro (hơn 6,8 tỷ USD) để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn trong năm nay. Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) ước tính khoản chi ngân sách mà quốc gia này phải bỏ ra để giải quyết vấn đề trên trong hai năm tới sẽ lần lượt lên đến 10 tỷ (11,37 tỷ USD) và 12 tỉ euro (13,65 tỷ USD).

Theo các nhà phân tích, những khoản chi ngân sách lớn đột xuất có thể làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu kinh tế và ngân sách hoặc mức xếp hạng tín nhiệm của một số nước EU. Bên cạnh đó, việc hàng nghìn người tị nạn và di cư đổ về châu lục này sẽ “bào mòn“ hệ thống an sinh xã hội vốn được đóng góp bởi người dân bản địa để dành cho y tế, hỗ trợ thất nghiệp, lương hưu và giáo dục.

Hiện tại, EU chưa có lối thoát hữu hiệu trong chính sách với người nhập cư đang đe dọa tương lai của "ngôi nhà chung" 28 thành viên.