Chạy đua chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip

Theo Hồng Anh/nhandan.vn

Số liệu mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho thấy, số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành tại thời điểm quý II/2021 là 118 triệu thẻ. Trong đó, số lượng thẻ nội địa là 98 triệu thẻ. Từ nhiều năm qua, nhằm tăng tính an toàn, bảo mật, nhiều tiện ích, nhiều ứng dụng cho mọi người dân Việt Nam khi sử dụng, ngành ngân hàng đã đặt mục tiêu thực hiện chuyển đổi toàn bộ thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip.

Giao dịch thanh toán bằng thẻ chip an toàn và bảo mật hơn.
Giao dịch thanh toán bằng thẻ chip an toàn và bảo mật hơn.

Cụ thể, theo lộ trình đề ra tại Thông tư số 41/TT-NHNN của NHNN ban hành ngày 28/12/2018, đến ngày 31/12/2021, toàn bộ thẻ thanh toán đang lưu hành của các tổ chức phát hành thẻ Việt Nam sẽ phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở của thẻ chip nội địa. Do đó, tính đến thời điểm này, các ngân hàng hiện đang trong cuộc chạy đua nước rút chuyển đổi sang thẻ chip nội địa nhằm bảo đảm thực hiện đúng lộ trình.

Sự ưu việt của thẻ chip

Không phải mới đây, câu chuyện chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip mới được nhắc tới mà từ nhiều năm trước nó đã xuất hiện như một xu hướng tất yếu nhằm góp phần bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật trong giao dịch thẻ.

Chuyển đổi sang thẻ chip cũng tạo ra cơ hội phát triển mới cho thẻ thanh toán, mở rộng các dịch vụ thẻ tại Việt Nam; đồng thời tăng cường sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững cho thị trường thẻ ngân hàng. Khác với thẻ từ, thẻ chip được ứng dụng công nghệ chip hiện đại, có gắn một vi mạch trên bề mặt thẻ. Thông tin thẻ sẽ được lưu cố định tại chip và mật mã thay đổi theo mỗi giao dịch nên khả năng lưu trữ thông tin và bảo mật cao hơn, giúp phòng, chống gian lận giao dịch.

Tại Việt Nam, thẻ chip nội địa đã được Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam (VBCA) phối hợp Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và các ngân hàng ra mắt thị trường vào tháng 5/2019. Thẻ chip nội địa tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ chip do NHNN ban hành và Tiêu chuẩn quốc tế EMV.

Thẻ chip có hai loại, thẻ có tiếp xúc (thẻ chip contact) và thẻ không tiếp xúc (thẻ chip contactless). Với thẻ chip tiếp xúc, khách hàng phải đưa thẻ vào thiết bị POS để thanh toán; còn với thẻ chip không tiếp xúc, khách hàng chỉ cần đưa thẻ gần hoặc chạm nhẹ thẻ trên POS để hoàn tất giao dịch thanh toán mà không phải nhập mã PIN (với các giao dịch có giá trị nhỏ), lấy hóa đơn và ký.

Ðầu năm 2021, NAPAS đã ra mắt các sản phẩm thẻ chip bao gồm: Thẻ ghi nợ nội địa, thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa tuân thủ TCCS về thẻ chip của NHNN... Ðến tháng 4/2021, NAPAS phối hợp VietinBank triển khai sản phẩm thẻ chip nội địa 2Card, đánh dấu lần đầu tiên thị trường thẻ nội địa Việt Nam xuất hiện dòng sản phẩm thẻ kép (Dual Card) - loại thẻ có hai chip độc lập trên cùng một mặt phôi thẻ vật lý, trong đó một chip của thẻ ghi nợ nội địa và một chip của thẻ tín dụng nội địa.

Như vậy, đến nay, hệ sinh thái thẻ chip nội địa đã có đầy đủ các sản phẩm thẻ, gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng nội địa, thẻ trả trước do các ngân hàng Việt Nam phát hành.

Gấp rút chuyển đổi

Ðể tiến tới chuyển đổi 100% sang thẻ chip theo lộ trình đặt ra của NHNN, kể từ ngày 31/3/2021, các ngân hàng đã dừng phát hành thẻ từ nội địa cho khách hàng, mà thay vào đó là thẻ chip. Theo số liệu từ NHNN, tính đến hết quý II/2021, tổng số lượng thẻ chip chuyển đổi đạt 18,4 triệu thẻ, tổng số ATM và POS chuyển đổi tương ứng đạt hơn 15,5 nghìn ATM và 170 nghìn POS. Khi thời hạn kết thúc của lộ trình đã cận kề, các ngân hàng càng đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai thực hiện việc chuyển đổi.

Ghi nhận cho thấy, thời gian qua các ngân hàng thương mại đã rất khẩn trương trong việc chuyển đổi sang thẻ chip cho khách hàng. Bên cạnh thực hiện nhiều hoạt động truyền thông rộng rãi về chương trình chuyển đổi thẻ chip nội địa tới khách hàng, nhiều ngân hàng đã áp dụng chính sách xuống các chi nhánh thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp chuyển đổi đồng loạt thẻ chip nội địa trả lương cho cán bộ, nhân viên như Vietinbank, BIDV, MB.

Một số ngân hàng đã triển khai miễn phí chuyển đổi thẻ chip cho khách hàng như VCB, MSB, MB, Indovina Bank (IVB), Sacombank, Kienlong Bank, VietA Bank, OCB, Shinhan Bank, NCB, Pvcombank, VIB, SHB, Ngân hàng Việt Nga (VRB). Một số ngân hàng kết hợp với các chương trình mở tài khoản số đẹp và phát hành thẻ chip nội địa mới; tặng quà hấp dẫn cho khách hàng như BaoViet Bank, MB, Công ty tài chính VietCredit.

Ngoài ra, để hỗ trợ các tổ chức thành viên là các ngân hàng chuyển đổi thẻ chip nội địa, NAPAS mới đây cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ cho năm 2021. Theo đó, NAPAS sẽ hỗ trợ đầu tư, nâng cấp POS và phát hành thẻ chip nội địa, bao gồm hỗ trợ chuyển đổi cho thẻ chip contact và thẻ chip contactless và thiết bị POS. Chương trình đã được 41 ngân hàng tham gia, dự kiến sẽ chuyển đổi 6,7 triệu lượng thẻ và 32 nghìn máy POS trong năm 2021.

Hiện tại, 43/50 tổ chức thành viên của NAPAS đã hoàn thành việc chứng thực đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở (VCCS) về thẻ chip nội địa, trong đó bảy ngân hàng đầu tiên đã hoàn thành 100% công tác chuyển đổi thẻ chip theo quy định của NHNN là MB, LienVietPostBank, VietBank, Standard Chartered, Hongleongbank, IBK Hồ Chí Minh, IBK Hà Nội.

Chia sẻ về kết quả đạt được khi hỗ trợ chuyển đổi thẻ chip nội địa thời gian qua, ông Nguyễn Ðăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh của NAPAS cho biết: Các ngân hàng đều đang nỗ lực triển khai kế hoạch chuyển đổi thẻ chip nhằm đạt được lộ trình theo quy định đã đặt ra của NHNN vào 31/12/2021.

"Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh dẫn tới nhiều tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt nên công tác chuyển đổi thẻ chip nội địa của các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. NAPAS sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các ngân hàng xem xét, đánh giá các phương án tăng cường hiệu quả triển khai trong thời gian tới" - ông Nguyễn Ðăng Hùng chia sẻ.