Chạy đua tăng vốn: Các chiêu biến tướng!
Để đủ điều kiện tham gia TTCK phái sinh, cũng như đáp ứng các đòi hỏi cao về an toàn tài chính cho triển khai các nghiệp vụ mới trong thời gian tới, chẳng hạn giao dịch trong ngày, các công ty chứng khoán (CTCK) đang chạy đua tăng vốn. Sức ép tăng vốn khiến thị trường lo ngại khả năng có công ty thực hiện tăng vốn “ảo”.
Áp lực 800 - 900 tỷ đồng vốn chủ sở hữu
Cùng với việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thúc đẩy Sở GDCK Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các thành viên thị trường khác hoàn tất các khâu chuẩn bị để sẵn sàng mở cửa TTCK phái sinh vào đầu năm 2017, các CTCK đang chạy đua tìm cách tăng vốn, để đủ điều kiện tham gia sân chơi mới này.
Theo quy định, tham gia TTCK phái sinh, CTCK phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên. Với mức vốn này, CTCK được tự doanh chứng khoán phái sinh. Còn để tham gia môi giới chứng khoán phái sinh, CTCK phải có vốn 800 tỷ đồng. Để trở thành thành viên bù trừ trực tiếp và thành viên bù trừ chung, điều kiện về vốn lần lượt là 900 tỷ đồng và 1.200 tỷ đồng.
Tiêu chuẩn vốn trên là cao với rất nhiều CTCK hiện tại. Không muốn bị chậm chân trong tham gia TTCK phái sinh, nên nhiều CTCK đã và đang chạy đua tăng vốn. Chẳng hạn, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Wealth Management vừa hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng. Công ty Mirae Asset Wealth Management (Hồng Kông) là đơn vị sở hữu 100% Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Wealth Management đã quyết định tăng vốn cho công ty con với mức khủng nêu trên.
Ngoài cách thức tăng vốn theo kiểu ông chủ CTCK rót thêm vốn, hoặc phát hành riêng lẻ cho vài cổ đông lớn, còn một phương thức tăng vốn khá phổ biến đang được các CTCK áp dụng để kịp “vé” tham gia TTCK phái sinh là trả cổ tức bằng cổ phiếu. Sở dĩ phương án này được lựa chọn là bởi bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, cũng như nhà đầu tư chiến lược đều đang gặp khó khăn.
Lãnh đạo một CTCK cho biết, với số vốn hiện tại, công ty đủ điều kiện tham gia cung cấp các dịch vụ: tư vấn, môi giới và tự doanh chứng khoán phái sinh, nhưng không đủ tiêu chuẩn là thành viên bù trừ trực tiếp và thành viên bù trừ chung. Công ty có mục tiêu tham gia đầy đủ các nghiệp vụ phái sinh, nên thời gian qua đã tích cực tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để phát hành tăng vốn, nhưng bất thành, do diễn biến thị trường không thuận lợi.
Trong bối cảnh này, công ty đang nỗ lực tăng vốn lên khoảng 900 tỷ đồng để đáp ứng điều kiện là thành viên bù trừ trực tiếp trên TTCK phái sinh, thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu. Đây là giải pháp khả thi trong bối cảnh không dễ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Cũng trong tình cảnh đang phải “chạy đôn chạy đáo” tăng vốn khi cửa TTCK phái sinh sắp mở, lãnh đạo một CTCK đang niêm yết chia sẻ, sau một số lần chia cổ tức bằng cổ phiếu, đến nay vốn chủ sở hữu của Công ty vẫn chưa chạm tới mức 600 tỷ đồng để được tham gia TTCK phái sinh, nên Ban lãnh đạo Công ty đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để kịp tăng vốn trước khi thị trường này mở cửa.
Lo ngại khả năng tăng vốn “ảo”
Từ hai con đường tăng vốn nêu trên của các CTCK gần đây, có một số điểm đáng chú ý, thậm chí có ý kiến đặt nghi vấn, chỉ trong thời gian ngắn mà các CTCK tăng vốn khủng, liệu có công ty thực hiện tăng vốn “ảo”?
Cụ thể, với cách tăng vốn thông qua hình thức ông chủ trực tiếp rót thêm vốn, hoặc phát hành riêng lẻ cho một số đối tác, thì về mặt hình thức, các bên rót vốn chuyển tiền vào tài khoản phong tỏa, trên cơ sở đó ngân hàng cung cấp xác nhận cho CTCK trong hồ sơ tăng vốn trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi lượng vốn này hết thời gian bị “nhốt” và sau khi được UBCK cấp giấy chứng nhận tăng vốn thành công, thì số vốn này liệu có thực sự ở lại với CTCK, hay được “ngầm” chuyển cho các bên đã tham gia tăng vốn để trả nợ?
Với cách tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, có ý kiến cho rằng, đơn vị kiểm toán, nhà quản lý cần kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng CTCK tạo lãi giả để có nguồn chia cổ tức tăng vốn, đặc biệt là trường hợp lỗ lũy kế kéo dài nhưng bất ngờ công bố có lãi.
Theo một số chuyên gia chứng khoán, để ngăn ngừa nguy cơ CTCK tăng vốn ảo nhằm đáp ứng yêu cầu tham gia triển khai các nghiệp vụ mới, UBCK cần tăng cường kiểm tra, giám sát hồ sơ và tiến trình tăng vốn của các CTCK. Cùng với đó, UBCK phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các công ty kiểm toán, cũng như các bên liên quan nhằm ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động tăng vốn của các CTCK.