Chạy “nước rút” đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

PGS., TS. Nguyễn Đình Luận - Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech)

Thời gian để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công không còn nhiều đang đặt áp lực lớn lên các bộ, ngành, địa phương, nhất là những nơi có tỷ lệ giải ngân thấp. Đối mặt với nhiều khó khăn, các đơn vị đang nỗ lực tăng tốc để đạt mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn trong giai đoạn cuối năm. Kho bạc Nhà nước (KBNN) cũng triển khai nhiều biện pháp thắt chặt kỷ luật kiểm soát chi, hỗ trợ tối đa để dòng vốn đầu tư công kịp thời vào các dự án.

Cán bộ, công chức KBNN tập trung hướng dẫn các chủ đầu tư và ban quản lý dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định và giúp rút ngắn thời gian kiểm soát chi, đẩy nhanh việc đưa vốn vào công trình
Cán bộ, công chức KBNN tập trung hướng dẫn các chủ đầu tư và ban quản lý dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định và giúp rút ngắn thời gian kiểm soát chi, đẩy nhanh việc đưa vốn vào công trình

Còn nhiều điểm nghẽn

Theo báo cáo mới nhất của KBNN, tính đến ngày 31/10/2024, lũy kế vốn đầu tư công năm 2024 kiểm soát, thanh toán qua KBNN là 373.142,8 tỷ đồng, bằng 50,3% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2024 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua KBNN; bằng 46% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2024 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua KBNN.

Tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 10 tháng năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là vốn ngân sách địa phương. Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông cao không đồng đều. Một số dự án quan trọng quốc gia, dự án giao thông trọng điểm, liên vùng do địa phương quản lý có tỷ lệ giải ngân thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đạt thấp.

“Điểm nghẽn” làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tập trung vào các vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; công tác lập, phân bổ kế hoạch; công tác tổ chức thực hiện. Đến nay, nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách (thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa; thiếu các định mức chi phí đối với các dự án không có cấu phần xây dựng; vướng mắc trong các quy định về quản lý đầu tư công, cơ chế đấu thầu,...); vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA,...

Là đơn vị được giao số vốn đầu tư công khá lớn với các dự án, công trình trọng điểm, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của Bộ Giao thông vận tải như: Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng qua nhiều khâu, nhiều bước nên mất rất nhiều thời gian; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án. Cùng với đó, về vật liệu xây dựng, thời gian vừa qua được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ đã giảm bớt nhiều thủ tục, tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án vẫn còn vướng mắc, chậm được giải quyết, đặc biệt trong việc cấp phép, nâng công suất các mỏ, làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án; thời tiết ngày càng bất thường, rất khó dự báo. Hơn nữa, thời gian tới vào mùa mưa lũ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.

Nỗ lực đưa vốn vào công trình nhanh nhất, sớm nhất

Mục tiêu mà Chính phủ đưa ra đến cuối năm 2024 cần giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Với mục tiêu này, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để góp phần hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, trong vai trò cơ quan kiểm soát chi, KBNN mới đây đã ban hành công văn để thực hiện Công điện số 104/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc đẩy mạnh vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Trong công văn, KBNN yêu cầu các đơn vị trong toàn hệ thống tăng cường các biện pháp để thắt chặt kỷ luật và kỷ cương đối với cán bộ thực hiện công tác kiểm soát chi.

Theo bà Lương Thị Hồng Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN), thời gian kiểm soát chi càng nhanh thì vốn được giải ngân cho các dự án, công trình càng sớm. Do đó, KBNN đã yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương và nhấn mạnh tới từng công chức phụ trách kiểm soát chi rằng, từ nay đến cuối năm, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, không được rời vị trí làm việc. Các hồ sơ, thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến phải được xử lý ngay lập tức, kịp thời, không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ nào mà không có lý do rõ ràng.

Đáng chú ý, tới đây, KBNN sẽ thành lập các đoàn công tác nhằm đôn đốc và động viên cán bộ kiểm soát chi nâng cao tinh thần trách nhiệm và tối ưu thời gian làm việc để xử lý khối lượng lớn hồ sơ từ nay đến cuối năm 2024, góp phần hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% theo kế hoạch Thủ tướng giao.

Được biết, từ đầu năm đến nay, KBNN đã ban hành 5 văn bản và 1 Công điện của Tổng Giám đốc KBNN chỉ đạo các KBNN địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm đúng thời gian quy định; kiểm soát hồ sơ, thủ tục đúng theo quy định.

Đồng thời, KBNN tăng cường thực hiện nguyên tắc thanh toán trước, kiểm soát sau. Theo đó, khi hồ sơ được gửi tới, KBNN thực hiện kiểm tra, nếu hồ sơ, thủ tục đầy đủ, đúng quy định thì KBNN sẽ giải ngân đến đối tượng thụ hưởng chậm nhất là trong 1 ngày. “Có những khoản chi thậm chí chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ là đã được chuyển đến nhà thầu để có tiền chi cho dự án”, bà Lương Thị Hồng Thúy cho biết. Bên cạnh đó, KBNN thực hiện giám sát từ xa đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến; thấy hồ sơ nào xử lý quá thời gian quy định, KBNN sẽ có giải pháp chấn chỉnh ngay.

Vừa qua, KBNN cũng đã tổ chức tập huấn về Thông tư số 70/2024/TT-BTC về quản lý và sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư và ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách, thay thế Thông tư số 108/2021/TT-BTC. Dù ngày 15/11 tới, Thông tư số 70/2024/TT-BTC mới có hiệu lực song KBNN đã chủ động tổ chức tập huấn sớm cho toàn bộ cán bộ kiểm soát chi trong hệ thống để nắm bắt những điểm mới. Qua đó, các đơn vị KBNN có thể triển khai hướng dẫn tới các chủ đầu tư và ban quản lý dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định và giúp rút ngắn thời gian kiểm soát chi, đẩy nhanh việc đưa vốn vào công trình.

 

Để giải quyết triệt để các vướng mắc cố hữu lâu nay trong giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo việc sửa đổi, thay thế đồng bộ các cơ chế, chính sách có liên quan đến dự án đầu tư công để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ VIII, như: Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu…

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2024